Nhìn thấy những gam màu sáng trong khó khăn
Quy mô nền kinh tế Đắk Nông dù nhỏ, được nhận định không chịu ảnh hưởng lớn bởi tình hình chung, song cũng không tránh khỏi hệ lụy từ những tiêu cực này.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Đắk Nông nhìn chung vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định. Mặc dù đang gặp không ít khó khăn và chưa tạo ra sự đột phá cần thiết nhưng các lĩnh vực kinh tế chủ lực đang cho thấy bước phục hồi khả quan, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
Trong 11 nhóm chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2024 đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 30/12/2023 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ năm 2024 và Nghị quyết số 46/NQ-HĐND, ngày 13/12/2023 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, có 8 nhóm chỉ tiêu đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng và 3 nhóm chỉ tiêu đánh giá vào cuối năm.
Một trong 8 nhóm chỉ tiêu đã được đánh giá cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 9.555 tỷ đồng, tăng 5,08%. So với khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông có mức tăng trưởng GRDP cao thứ 2 Tây Nguyên sau Kon Tum và đứng thứ 48/63 tỉnh, thành về tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024. Đây được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung 6 tháng đầu năm được đánh giá vẫn còn khá ảm đạm.
Trong các khu vực, nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận có mức tăng cao nhất với mức tăng 10,53%. Điều này phản ánh khá sát thực tế của lĩnh vực trụ cột cho nền kinh tế Đắk Nông đang bước đầu đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, giá trị các ngành hàng. Theo phân tích, ngoài sự tác động tích cực của các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu… có giá tăng cao, nông nghiệp Đắk Nông cũng đang bước đầu gặt hái thành quả từ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích đất. Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng góp phần đáng kể cho xu hướng tăng trưởng tích cực, bền vững của khu vực này.
Tuy chưa có nhiều đột phá so với các năm trước song khu vực công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm cũng có mức tăng trưởng khá với 6,59%. Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhà máy Phân bón Đức Giang-Đắk Nông đi vào hoạt động, tạo giá trị gia tăng mới cho ngành công nghiệp. Cùng với việc tháo gỡ các khó khăn về nguyên liệu đầu vào, một số ngành chế biến, chế tạo vẫn duy trì mức tăng trưởng khá ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 4,11% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,44%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,54%; công nghiệp chế biến, sản xuất phân phối điện và khí đốt, hơi nóng, hơi nước tăng 5,43%; công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,69%.
6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ ước đạt 4.303 tỷ đồng, tăng 2,44%. Đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Một số chỉ tiêu trọng tâm khác như: tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 8.657 tỷ đồng, tăng 2,18% so với cùng kỳ, bằng 43,29% so với kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.483 tỷ đồng, đạt 97% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 50% dự toán trung ương giao và 45% dự toán địa phương giao… Đây được xem là nỗ lực lớn của các cấp, ngành trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế 6 tháng đầu năm.
Từ một số chỉ tiêu trọng tâm đã nêu cho thấy, dù bảo đảm mức tăng trưởng, nhưng 6 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng chung đến các lĩnh vực vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngoài khó khăn chung, 6 tháng đầu năm, Đắk Nông tập trung gỡ vướng về cơ chế, chính sách, quy hoạch và một số khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển. Những khó khăn, vướng mắc này được khơi thông chính là động lực để Đắk Nông tăng tốc trong những tháng còn lại của năm 2024.
Cần thêm dư địa cho tăng trưởng
Mục tiêu của Đắk Nông đặt ra trong năm 2024 là tăng trưởng GRDP đạt 6,55%. Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm, 6 tháng cuối năm, GRDP của Đắk Nông phải đạt mức tăng trưởng khoảng 8,02%. Đây là mức khá cao trong điều kiện kinh tế cả nước cũng như nội tỉnh những tháng còn lại của năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn.
Giải ngân nguồn vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 27% do gặp những khó khăn, vướng mắc. Các khó khăn này đang từng bước được tháo gỡ sẽ là dư địa đóng góp cho tăng trưởng. Chưa kể, giải ngân vốn đầu tư công được khơi thông sẽ dẫn dắt, kích hoạt, thu hút mọi nguồn lực xã hội, tăng cường thu hút đầu tư ngoài ngân sách, thu ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất chủ yếu phục vụ mục tiêu tăng trưởng.
Những tháng cuối năm cũng là cao điểm của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, một số cây ăn trái mang lại nguồn thu cao. Nếu giá cả một số mặt hàng duy trì như hiện nay sẽ góp phần tích cực cho tăng trưởng nội ngành và tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ngoài dư địa đã nêu, trong 6 tháng cuối năm, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, một số ngành hàng chế biến, chế tạo như sản xuất alumin, thủy điện, chế biến, xuất khẩu nông sản cũng sẽ tăng tốc để đạt và vượt chỉ tiêu trong năm kỳ vọng sẽ góp phần tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế.
Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng đã nêu phần lớn đều nằm trong kế hoạch dự báo của tỉnh (trừ phát sinh giá một số mặt hàng nông sản tăng cao). Vấn đề quan trọng là tỉnh phải tìm thêm những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế như kích hoạt hiệu quả các giải pháp tài chính, tài khóa; khơi thông thị trường bất động sản, đăng ký sử dụng đất; sớm khởi khởi động các dự án mở mới….
Trên tinh thần, quyết tâm cao của năm nước rút thực hiện mục tiêu giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, 6 tháng cuối năm 2024 đang mở ra nhiều kỳ vọng thêm những gam màu sáng cho bức tranh kinh tế Đắk Nông năm 2024, làm tiền đề cho phát triển những năm tiếp theo.
Nguồn: https://baodaknong.vn/de-kinh-te-dak-nong-them-nhung-mang-mau-tuoi-sang-221190.html