Để kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng trên 8%, một trong những động lực quan trọng nhất chính là đầu tư công. Thậm chí, đầu tư công được cho là “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2025.
Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Nghị quyết nêu rõ, năm 2025 tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Năm 2024, Nghị quyết của Quốc hội đặt ra mục tiêu tổng sản phẩm (GDP) 6 – 6,5%, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 7,09%, đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong điều kiện tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Như vậy, với việc đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi chúng ta tiếp tục có sự nỗ lực rất lớn, sự đồng tốc, đồng hành của cả hệ thống chính trị mới đạt được.
Để đạt được mục tiêu, Quốc hội đã nêu rõ một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đối với Chính phủ và các cơ quan liên quan. Theo đó, Quốc hội đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện. Một là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Hai là, tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Ba là, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Bốn là, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Năm là, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Không phải ngẫu nhiên, vấn đề hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật được Quốc hội xác định là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên để thực hiện. Bởi thể chế được nhận định là một trong ba điểm nghẽn lớn. Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ rõ, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu.
Chính điểm nghẽn về thể chế và “khâu yếu” trong tổ chức thi hành pháp luật là một trong những rào cản lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của chúng ta. Do đó cần sớm có giải pháp phải để tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản này. Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn khi chúng ta đang cùng chung tay, dồn sức nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật một lần nữa được Quốc hội đặt ra đối với Chính phủ và các cơ quan liên quan, đó là xây dựng pháp luật phải theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường, trong đó có thị trường tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản… Nếu thể chế được hoàn thiện theo đúng tinh thần nghị quyết, cùng với thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp còn lại, tin rằng mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của chúng ta sẽ về được đích.
Nghị quyết của Quốc đã xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu này không phải là nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị. Muốn vậy, Chính phủ và các cơ quan liên quan, địa phương bắt tay ngay ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết này. Bởi như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn “mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên là phải quyết tâm thực hiện. Phải đồng bộ từ Đảng, Nhà nước, Trung ương, địa phương đến toàn dân để phát huy sức mạnh thì mới có thể đạt được. Từng bộ, từng ngành, từng cấp phải vào cuộc, giải quyết từng việc một để tháo gỡ thì mới nhanh được”.
Đâu là giải pháp?
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nền kinh tế thế giới năm 2025 có thể đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm xung đột địa chính trị, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và rủi ro biến đổi khí hậu. Ngoài ra, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra chậm chạp, trong khi các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm hơn so với năm 2024. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại và xuất khẩu của Việt Nam.
“Việt Nam cần bổ sung các giải pháp về thủ tục xuất nhập cảnh, visa, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch để nâng cao sức hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế. Đồng thời, cần triển khai kịp thời và chu đáo các chính sách hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương, lao động mất việc làm và dôi dư trong quá trình tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước. Song song đó, việc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”, TS Thành cho hay.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đồng quan điểm rằng kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt là sự suy giảm thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc. Nếu nhu cầu tại các thị trường này giảm, tốc độ tăng trưởng của các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, lạm phát vẫn là một mối lo ngại lớn. Trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực biến động mạnh, nếu Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiểm soát lạm phát, mặt bằng lãi suất cao có thể làm giảm động lực đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Một yếu tố quan trọng khác là đầu tư công, vốn được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng. Tuy nhiên, theo chuyên gia, tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm do thủ tục hành chính phức tạp, vướng mắc pháp lý và hạn chế trong năng lực triển khai. Nếu không giải quyết được vấn đề này, Việt Nam sẽ khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như kỳ vọng.
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm bất ổn địa chính trị và căng thẳng quốc tế có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến xuất khẩu và thu hút FDI.
Ngoài ra, sự phục hồi không đồng đều giữa các ngành kinh tế khiến tăng trưởng chưa đạt được sự ổn định và bền vững, trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất gia tăng, tiếp cận vốn hạn chế và sức mua trên thị trường chưa phục hồi mạnh mẽ.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, để đạt tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đột phá. Thứ nhất, có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Đồng thời, cần ưu đãi thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu, công nghệ cao và khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, có cơ chế khen thưởng và hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp có sáng kiến đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, xuất khẩu và sản xuất. Các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ và chương trình hợp tác công – tư sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, Việt Nam cần có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài trong nước, đồng thời mở cửa để thu hút nhân sự giỏi từ nước ngoài. Bài học từ Singapore cho thấy việc tạo môi trường làm việc thuận lợi, chính sách đãi ngộ hợp lý và hỗ trợ nghiên cứu sẽ giúp thu hút chuyên gia quốc tế cũng như kiều bào về đóng góp cho quê hương.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới. Công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain) và tự động hóa, sẽ là động lực quan trọng trong thời đại số. Cần thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ cao.
“Nếu các giải pháp trên được triển khai đồng bộ và quyết liệt, Việt Nam không chỉ đạt được mức tăng trưởng hai con số mà còn xây dựng nền kinh tế bền vững, có khả năng cạnh tranh cao trên trường quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dau-la-giai-phap-giup-tang-truong-kinh-te-dat-tren-8-243529.html