Xoá được đói, giảm được nghèo
Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, đẩy lùi lạc hậu, đói nghèo, đưa địa phương phát triển theo đúng đường lối, chính sách. Không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức.
Trong sản xuất nông nghiệp, điểm nổi bật là bà con đã biết khai thác những lợi thế, tiềm năng về khí hậu, đất đai; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc chọn và đưa vào sản xuất những giống cây trồng mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, nhờ tăng cường công tác khuyến nông và tập trung thâm canh mà năng suất các loại cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực như điều, cà phê, hồ tiêu, cao su… tăng mạnh hàng năm.
Có thể thấy, trước đây việc sản xuất của người dân chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp. Tuy nhiên, gần 20 năm qua, việc sản xuất của người dân đã dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường… Những năm gần đây, nhờ giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực ổn định, đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói riêng.
Cùng với thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Những chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ lãi suất cải thiện nhà ở, hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất… đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế bảo đảm chất lượng và có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng đã tác động tích cực đến cuộc sống người dân vùng DTTS, mang lại cho các bon, buôn một diện mạo mới.
Đến nay, hệ thống giao thông vùng DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh thông suốt, mỗi bon, buôn đều có đường nhựa chạy qua. Nhiều căn nhà tạm, xuống cấp của bà con đã được thay thế bằng những căn nhà xây kiên cố, khang trang. 100% bon buôn đều có điện lưới quốc gia… Để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục phổ thông và giảm bớt khó khăn cho học sinh DTTS tại chỗ, tỉnh Đắk Nông cũng ban hành các nghị quyết về hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số… Thực tế đã cho thấy, việc triển khai thực hiện những chính sách này đã giúp duy trì sĩ số, bảo đảm chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học.
Nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách, nhất là với sự nỗ lực vươn lên không ngừng của đồng bào các dân tộc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm 12,28% so với năm 2016, giảm 19,82% so với năm 2011 và giảm 26,75% so với năm 2006. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS là 17,18%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ là 22,8%.
Bước sang giai đoạn mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Đắk Nông năm 2021 là 11,19%, đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 7,97%. Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra (phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025).
Chất lượng đời sống được nâng cao
Đắk Nông hiện có khoảng 40 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia. Kết quả trên minh chứng cho sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trong tỉnh và khẳng định những chế độ, chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống.
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, bà Đăng Lát Sarh, trưởng Ban Công tác Mặt trận bon Phi Mur, xã Quảng Khê (Đắk Glong) rất phấn khởi, tự hào. Theo bà Đăng Lát Sarh, không chỉ đời sống vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên mà tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được củng cố.
“Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế thì địa phương cũng tập trung đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu đồng thời bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện nay, bon Phi Mur đang duy trì các đội đánh cồng chiêng, hát dân ca và nhiều lễ hội truyền thống như cúng cơm mới, cúng thần lúa, cúng bến nước, cầu mưa… Đây là những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc luôn được gìn giữ song hành cùng sự phát triển của địa phương”, bà Đăng Lát Sarh cho biết thêm.
Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, điều dễ dàng nhận thấy đó là đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Cùng với sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, bà con các DTTS thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Ông Điểu Hoang, Trưởng bon Bù Sê Rê 1, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) đánh giá: “Đến nay, ở các bon DTTS đều được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng đường mới, nhà mới. Các hộ dân trong bon được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, nhờ đó kinh tế của bà con ngày càng phát triển ổn định. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến đời sống và được Nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025
Ngày 31/8/2021, Tỉnh ủy Đắk Nông có Chương trình số 26 -CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS giai đoạn 2021 -2025 và Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội và Nhân dân tỉnh Đắk Nông tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025; giảm dần khoảng cách giàu, nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu… Tỉnh Đắk Nông phấn đấu, bình quân hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, riêng đồng bào DTTS tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, từ đó hướng đến mục tiêu đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên.
Để đạt được những mục tiêu này, trong thời gian tới cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ chính sách xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững…