Theo đánh giá của KBSV, mức thuế đối ứng 46% cho Việt Nam gây tác động mạnh nhất đến các ngành Thủy sản, Dệt may, Logistics và Bất động sản Khu công nghiệp. Các ngành Ngân hàng, Chứng khoán, Bán lẻ, Thực phẩm và Đồ uống, Điện, Công nghệ, Vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng gián tiếp ở mức trung bình. Trong khi đó, ngành Bất động sản dân cư và Xây dựng chỉ chịu tác động nhẹ.
Vào lúc 11h01 ngày 09/04 giờ Việt Nam, mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với loạt quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực mà không có bất kỳ sửa đổi nào. Việt Nam bị áp mức thuế 46%.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mức thuế đối ứng 46% cho Việt Nam gây tác động mạnh nhất đến các ngành Thủy sản, Dệt may, Logistics và Bất động sản Khu công nghiệp.
Cụ thể, đối với ngành dệt may, Mỹ là thị trường trọng điểm với tỷ trọng hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 43.4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, chính sách thuế đối ứng mới của trump sẽ tác động tiêu cực mạnh đến ngành dệt may Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam của Mỹ giảm bởi mặt bằng giá các sản phẩm dệt may ở Mỹ đều tăng do tăng áp thuế mặt hàng này với tất cả các nước xuất khẩu sang Mỹ. Hơn nữa, Việt Nam là nước bị đánh thuế cao thứ hai trong năm nước có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất.
Theo tính toán của KBSV, trung bình giá bán hàng dệt may sang Mỹ sau khi áp mức thuế mới tăng 16.7% chỉ sau mức tăng 21.2% của Trung Quốc và cao hơn mức tăng của Bangaladesh, Indonesia và Ấn Độ (mức tăng lần lượt đạt 12.5%, 9.7% và 6.8%). Giá trị hợp đồng ký mới của các doanh nghiệp dệt may có khả năng suy giảm do các đơn hàng được chuyển dịch qua các nước có lợi thế cạnh tranh về giá hơn bởi giá bán là một trong những yếu tố quan trọng với các nhà bán lẻ khi lựa chọn nhà cung ứng dệt may giá trị gia tăng thấp như CMT và FOB.
Tương tự với ngành thủy sản, Mỹ là thị trường lớn thứ 2 của hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính là tôm và cá tra, chiếm lần lượt 18% và 17% giá trị xuất khẩu 2 mặt hàng. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đầu ngành là VHC/FMC/MPC có lần lượt 30%/20%/16% doanh thu đến từ thị trường Mỹ trong 2024.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ bị tác động khi hầu hết đối thủ cạnh tranh chính là Ấn Độ, Ecuador và Indonesia đang bị áp thuế thấp hơn, lần lượt là 26%, 10% và 32%, trong khi Trung Quốc đang chịu tổng mức thuế cao hơn là 54%. Các doanh nghiệp sẽ cần thêm thời gian để tìm kiếm các thị trường mới với giá bán và biên lợi nhuận sẽ thấp hơn so với thị trường Mỹ.
Với nhóm BĐS Khu công nghiệp, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp FDI có xu hướng tạm dừng việc giải ngân cho các dự án xây dựng nhà máy mới đã đăng ký trước đó. Các cơ sở sản xuất tại Việt Nam tiếp tục duy trì những sẽ bị cắt giảm sản lượng do chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ đến các quốc gia có chi phí thuế quan thấp hơn và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng.
Trong 3-5 năm tới, KBSV kỳ vọng rằng nhu cầu thuê đất BĐS KCN sẽ được phục hồi và bù đắp bởi các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác (ngoài Mỹ). Những doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhờ các lợi thế cạnh tranh như chi phí nhân công giá rẻ, chính trị ổn định và vị trí địa lý thuận lợi.
Ngành cảng biển cũng sẽ chịu tác động mạnh do khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm, ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa qua cảng, có thể tác động đến khả năng điều chỉnh tăng giá dịch vụ. Các dự án đầu tư mở rộng cảng có thể bị hoãn triển khai.
Trong khi đó, ngành vận tải biển không chịu tác động trực tiếp (hãng tàu Việt Nam chủ yếu chạy tuyến nội địa và nội Á), tuy nhiên sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Việt Nam có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sản lượng vận tải và giá cước giao ngay do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm sút; nhu cầu vận chuyển qua các nước trung gian trước khi qua Mỹ giảm. Giá T/C dự kiến sẽ không ảnh hưởng nhiều khi nhu cầu thuê tàu dài hạn vẫn ổn định trước lo ngại về chuỗi cung ứng bất ổn, sự tái phân bổ tuyến tàu và khối lượng hàng hóa.
Với nhóm hàng không, dịch vụ hành khách chịu tác động ở mức vừa phải do lượng khách quốc tế liên quan đến dòng vốn FDI giảm, vận tải hàng hóa và vận hành cảng hàng không sẽ chịu tác động mạnh hơn đến từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa suy giảm.
Ngân hàng, Chứng khoán, Bán lẻ, Thực phẩm và Đồ uống, Điện, Công nghệ, Vật liệu xây dựng được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp ở mức trung bình.
Theo chuyên gia tại KBSV, tín dụng có thể chịu ảnh hưởng do tỷ trọng cho vay với hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu chiếm 15-20% và tiêu dùng bán lẻ bị ảnh hưởng gián tiếp từ hoạt động XNK. Tuy nhiên sẽ được bù đắp từ đa dạng hoá thị trường xuất khẩu sang các QG khác; đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực trọng điểm khác như BĐS, ĐTC; các yếu tố hỗ trợ hiện tại vẫn được duy trì (mặt bằng lãi suất dù chịu sức ép tăng nhưng vẫn ở mức thấp).
Bên cạnh đó, áp lực suy giảm NIM sẽ gia tăng sau khi điều chỉnh kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng 1-1.5%, trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp – mức tăng ít hơn và có độ trễ với lãi suất huy động. Nợ xấu cũng sẽ gia tăng do triển vọng kinh tế không tích cực như trước, đặc biệt là nhóm khách hàng trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan chịu áp lực dòng tiền. Dù vậy các ngân hàng vẫn còn dư địa để xử lý nợ, kỳ vọng luật hoá Nghị quyết 42 cũng giúp giảm nợ xấu toàn hệ thống.
Với ngành Chứng khoán, mảng môi giới và tự doanh chứng khoán bị ảnh hưởng do triển vọng tăng trưởng các doanh nghiệp niêm yết giảm, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá giá và thanh khoản của thị trường chứng khoán. Mảng cho vay kí quỹ bị ảnh hưởng do nhu cầu vay giảm sút do thanh khoản giảm do triển vọng thị trường không tích cực. Đồng thời, biến động tỷ giá – lãi suất tạo áp lực lên lãi suất cho vay kí quỹ, tăng chi phí lãi vay của khách hàng. Ở chiều ngược lại, thông tin đưa vào vận hành KRX cùng nâng hạng thị trường FTSE qua đó tác động tích cực đến dòng vốn ngoại giúp nhóm ngành chứng khoán hưởng lợi trong nửa cuối năm 2025.
Thu nhập giảm sút ảnh hưởng đến nhu cầu và khả năng mua nhà, đặc biệt là phân khúc trung cấp. Lãi suất dự báo tăng 1-2% có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà và kế hoạch triển khai dự án của các chủ đầu tư. Dòng vốn FDI giảm sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua và cho thuê, làm giảm tỷ lệ hấp thụ tại những dự án nhà ở quanh các KCN. Tuy nhiên, các tác động sẽ phần nào được giảm bớt khi thị trường BĐS gần đây được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực liên quan đến tháo gỡ khó khăn về cả pháp lý và nguồn vốn cho DN BĐS cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công, cải thiện hạ tầng.
Nhóm ngành vật liệu xây dựng, thuế nhập khẩu với thép vẫn sẽ được giữ nguyên ở mức 25% theo Mục 232 thay vì 46% theo thuế đối ứng mới công bố. Mặc dù không chịu tác động từ thuế đối ứng, triển vọng xuất khẩu tôn mạ chống gỉ tới Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp mới được công bố (mức cao nhất đối với từng loại là 59%/46.73%).
Đối với thị trường ống nhựa, KBSV cho rằng thuế đối ứng không tác động lên triển vọng tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành do sản lượng sản xuất tập trung phục vụ cho nhu cầu nội địa. Đối với lĩnh vực gỗ, đá, thuế đối ứng 46% sẽ có tác động mạnh do thị trường Mỹ chiếm trung bình 50%/80% doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Nhu cầu tiêu dùng có thể suy yếu do thu nhập người dân bị giảm sút trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu, FDI cắt giảm chi phí, thu hẹp sản xuất. Giá các loại hàng hóa nhập khẩu có thể có xu hướng tăng do mức giảm giá của VND cũng sẽ ảnh hưởng đến sức cầu. Sản lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống cũng sẽ bị ảnh hưởng do thu nhập và sức mua tiêu dùng bị ảnh hưởng. Tâm lý giảm tiêu thụ, gia tăng tích trữ tài sản nhằm phòng ngừa rủi ro.
Nhu cầu thực phẩm thiết yếu (Thịt lợn, sữa, đường, đồ tiêu dùng cá nhân) kì vọng được giữ ổn định, trong khi các mặt hàng không thiết yếu (Bia) sẽ chịu tác động đáng kể về nhu cầu tiêu thụ. Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ gặp áp lực khi chi phí nhập khẩu đầu vào tăng theo mức giảm giá của VND, trong khi cầu tiêu thụ yếu khiến giá bán trung bình giảm.
Tiêu thụ điện có thể bị ảnh hưởng do sự suy giảm sản xuất kinh doanh của nhóm khách hàng công nghiệp dịch vụ bị gặp khó khăn từ hoạt động XNK. Sản lượng điện tiêu thụ của nhóm công nghiệp chiếm 45-50% tổng tiêu thụ. Nhóm nhiệt điện bị giảm công suất bởi EVN sẽ tập trung huy động điện của các dự án BOT, dự án NLTT hưởng giá FIT, dự án thủy điện có giá rẻ. Nhóm nhiệt điện sẽ chỉ được vận hành trong khung giờ cao điểm hoặc giai đoạn mùa khô diễn ra mạnh trong năm 2026 khi El Nino bắt đầu xuất hiện.
Bất động sản dân cư và Xây dựng chỉ chịu tác động nhẹ
Trong ngắn hạn, nhóm dịch vụ công nghệ không nằm trong danh sách áp dụng thuế quan bảo hộ hàng hóa của Mỹ, do vậy hoạt động gia công phần mềm tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh về chi phí. Tuy nhiên trong dài hạn, chính sách thuế quan cao hơn sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế toàn cầu, khiến cho các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu cho đầu tư công nghệ. Với các doanh nghiệp lớn như FPT, tác động tới tăng trưởng doanh thu sẽ được giảm thiểu nhờ chiến lược chuyển dịch dần sang các hợp đồng cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống CNTT có giá trị cao và thời gian hợp đồng kéo dài hơn.
Cuối cùng KBSV cho rằng thu nhập ngành xây dựng giảm sút và mặt bằng lãi suất khó có thể tiếp tục giữ ở mức thấp như hiện nay sẽ tác động đến sự hồi phục của thị trường Bất động sản. Xây dựng công nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dòng vốn FDI suy giảm, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và tạm dừng giải ngân đầu tư tại Việt Nam, nhu cầu về nhà xưởng KCN sụt giảm. Nhóm xây dựng hạ tầng các dự án đầu tư công có thể hưởng lợi khi chính phủ đẩy nhanh giải ngân hỗ trợ tăng trưởng, bù đắp sự giảm sút từ lĩnh vực xuất khẩu và FDI.
Nguồn: https://baodaknong.vn/danh-gia-tac-dong-cua-thue-doi-ung-len-cac-nganh-nghe-248815.html