Bộ đàn đá Đắk Sơn được phát hiện vào năm 2014 tại thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô. Bộ đàn đá này gồm có 16 thanh, trong đó có 11 thanh còn nguyên vẹn, 5 thanh đã bị gãy đôi hoặc thành nhiều đoạn nhưng có thể gắn chắp nguyên dạng. Các thanh đàn đá Đắk Sơn được chế tạo từ đá phiến biến chất.
Căn cứ vào kỹ thuật chế tác và tần số âm thanh, các nhà khoa học đã khẳng định đàn đá Đắk Sơn thuộc truyền thống đàn đá N’Dut Liêng Krak, là bộ sưu tập đàn đá cổ có niên đại khoảng 3.000 năm.
Các thanh đàn đá Đắk Sơn được các nghệ nhân tuyển chọn kỹ lưỡng từ nguyên liệu; trải qua các công đoạn tách phiến đá ra khỏi mạch gốc, tạo dáng ban đầu, định hình (tạo dáng lần hai) và gia công tu chỉnh.
Mỗi công đoạn chế tác có kỹ thuật riêng biệt. Cụ thể, để tách phiến ra khỏi mạch đá gốc, có thể thực hiện bằng phương pháp đục bằng “choòng” hoặc “nêm” gốc. Việc tạo dáng ban đầu được thực hiện ở các rìa cạnh bằng các nhát ghè mạnh, trực tiếp thẳng từ trên xuống để tách các mảnh tước nhỏ, nên vết chế tác để lại ngắn và sâu.
Ở bước định hình cho hiện vật, việc đục đẽo được thực hiện trên toàn bộ bề mặt lớn của thanh đá theo một hướng thống nhất từ ngoài rìa cạnh vào giữa mặt thân. Dấu ghè để lại ở bước này thường nhỏ và không quá sâu.
Bước gia công cuối cùng là bước tu chỉnh rìa cạnh, những thao tác trong bước này được thực hiện nhẹ nhàng, tỉ mỉ, dấu ghè đều nhỏ và mỏng.
Với việc phát hiện, sưu tầm đàn đá Đắk Sơn tại di tích Đắk Sơn, cùng những mảnh gốm, hiện vật đá (công cụ lao động, mảnh vòng đeo tay…) tại di tích có niên đại khoảng 3.200 – 3.000 năm cách ngày nay chính là khung niên biểu tương đồng với niên đại của sưu tập đàn đá Đắk Sơn và nằm trong quy luật phát triển của cả nền âm nhạc cổ truyền ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Nam Bộ.
Đàn đá Đắk Sơn là tư liệu vật thật, sống động, giúp cho các nhà khoa học nhận thức một cách cơ bản, đầy đủ về loại hình di vật này và còn có thể biết chính xác về niên biểu sáng chế, phương thức sử dụng đàn đá “cổ nhất” Việt Nam thuộc giai đoạn hậu kỳ Đá mới đến sơ kỳ Kim khí ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.Hiện đàn đá Đắk Sơn đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông.
Ngày 31/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024), trong đó có bộ sưu tập đàn đá Đắk Sơn. Đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông có hiện vật được công nhận danh hiệu này.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dan-da-dak-son-bao-vat-quoc-gia-tai-dak-nong-242629.html