Vùng đất Đắk Glong (Đắk Nông) có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Vì vậy, chỉ cần đi dọc Quốc lộ 28, du khách sẽ cảm nhận được nhiều nét độc đáo về văn hóa, đến những món ăn mang đặc trưng.
Những món ăn được nhiều du khách nhận xét độc đáo là của đồng bào bản địa nơi đây chế biến. Món ăn thường có vị cay và vị đắng. Vì vậy, nếu có du khách ăn không hợp khẩu vị thì nên chuẩn bị cho mình một số đồ ăn thay thế.
Cơm lam
Đầu tiên, phải kể đến cơm lam! Cũng giống như nhiều cộng đồng các dân tộc khác ở Việt Nam, cơm lam thường xuất hiện trong những bữa cơm đãi khách. Thứ cơm được nấu trong thân lồ ô, thân tre trên bếp lửa hồng, vừa có độ dẻo, vừa có mùi thơm đặc trưng.
Cơm lam được chế biến đơn giản, bắt nguồn từ tập tục đi rừng, làm nương làm rẫy của đồng bào bản địa. Ngày nay, thứ cơm dân dã, mộc mạc này vẫn được người dân ưa chuộng bởi cách nấu nhanh gọn.
Cơm lam ăn ngon nhất với muối vừng (hoặc muối mè). Ở một số nơi, người dân thường tự chế biến muối để ăn kèm. Đó là hỗn hợp của ớt hiểm nướng trong than nóng, lá ngò gai và củ nén… Đặc biệt, khi xuất hiện ở lễ hội hoặc các dịp quan trọng, cơm lam thường được ăn kèm với gà nướng.
Gà nướng
Gà được chọn để chế biến món ăn là những con gà nặng chừng 1,5-2kg do người dân địa phương nuôi. Sau khi làm sạch, gà được chế biến đơn giản bằng cách ướp với hạt tiêu và mật ong, muối. Sau đó, gà được cố định bằng thân cây lồ ô và nướng trên than hồng cho đến khi da ngả màu vàng óng, thịt có mùi thơm của gia vị.
Món gà nướng được xem là món ăn quý để đãi khách, khi gia đình có việc quan trọng và dùng trong lễ hội. Khi thưởng thức, thịt gà được xé từng miếng chấm với muối ớt xanh giã với lá é. Gà nướng được thưởng thức cùng với rượu cần rất thú vị!
Rượu cần
Đây là thức uống đặc trưng, truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đối với người M’nông, người Mạ, rượu cần được ủ bằng loại men đặc biệt, có thành phần chính là vỏ cây được lấy từ trong rừng. Rượu cần ngon khi được ủ trong ché gốm với thời gian từ 6 tháng đến 2 năm.
Rượu cần trước đây được sử dụng trong các buổi tế lễ, sinh hoạt cộng đồng hoặc dịp trọng đại của mỗi gia đình (như đám cưới, tang ma, mừng sức khoẻ…). Hiện nay, ở Đắk Glong, nhiều hộ gia đình đã làm rượu cần và cung cấp ra thị trường. Với cách làm rượu truyền thống, hương vị rượu cần vẫn giữ được những đặc trưng riêng của núi rừng.
Canh cà đắng, đọt mây
Đây là món ăn phổ biến của đồng bào M’nông, Mạ, K’Ho… Trong các bữa ăn của người dân nhất là cà đắng, đọt mây nấu cùng là nhíp (hay còn gọi là lá bép). Toàn bộ nguyên liệu được lấy từ rừng, chế biến đơn giản trong những ống lồ ô lớn. Món ăn sẽ hấp dẫn hơn nếu được nấu cùng cá suối hoặc da bò, da trâu.
Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm thấy mùi thơm của lá bép, vị cay của ớt, vị bùi, béo của đọt mây. Đặc biệt, khi ăn miếng đầu tiên, thực khách sẽ thấy có vị đắng của đọt mây tưởng như khó ăn, nhưng vị ngọt sẽ nhanh chóng lan tỏa, khiến muốn ăn thêm miếng nữa, và rồi đâm ghiền lúc nào không biết.
Để phù hợp với khẩu vị của du khách, các nhà hàng địa phương đã thêm, bớt một số gia vị, nhưng vẫn không làm thay đổi hương vị đặc trưng của món ăn này.
Cá kìm hồ Tà Đùng
Khi du khách tham quan Hồ Tà Đùng – “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên” chắn chắn được thưởng thức cá kìm hồ Tà Đùng. Đây là loài cá nước ngọt, có kích thước nhỏ, được các hộ dân sinh sống trên lòng hồ đánh bắt, sơ chế. Cá kìm được phơi khô hoặc xếp thành từng miếng lớn rồi nướng chín trên bếp than hồng hoặc dầu nóng.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đưa cá kìm hồ Tà Đùng vào TOP 100 món ăn đặc sản của Việt Nam. Đây là món ăn mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến với Đắk Glong.
Để thưởng thức món ăn này, du khách có thể trực tiếp đi thuyền ra khu làng chài hoặc ghé đến một số nhà hàng trên quốc lộ 28 như Nhà hàng hai Phương (xã Quảng Khê), nhà hàng K’Jang (xã Đắk Som)….
Nội dung, ảnh: Lê Phước
Trình bày: Việt Dũng
Nguồn: https://baodaknong.vn/dam-da-cac-mon-an-dac-san-dak-glong-237888.html