Năm 2017, gia đình ông K’Thuận, bon Ta Mung, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng để chăm sóc 5 sào cà phê.
Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, vườn cà phê của gia đình ông năm nào cũng cho năng suất ổn định. Có nguồn thu, ông thực hiện tiết kiệm chi tiêu, đầu tư chăm sóc cây trồng, nên đã được thoát nghèo.
Ông K’Thuận cho biết: “Sau khi hoàn trả vốn, năm 2022, tôi tiếp tục được cho vay theo diện hộ mới thoát nghèo với số tiền 70 triệu đồng để mở rộng trồng trọt, chăn nuôi”.
Khi nhận được vốn vay, ông K’Thuận đã mua 2 con bò, 5 con dê về chăn nuôi. Đến nay, đàn vật nuôi đã bắt đầu sinh sản, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Còn gia đình ông Nguyễn Hải Dương, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, có gần 2 ha hồ tiêu đang thời kỳ kinh doanh. Hơn 5 năm nay, ông Dương đã tham gia vào HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến và được hướng dẫn trồng tiêu theo hướng bền vững.
Vườn tiêu được ông Dương áp dụng quy trình canh tác mới, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thay vào đó, ông chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học để chăm sóc, phòng bệnh cho hồ tiêu.
Đến nay, Đắk Song có 2.332ha hồ tiêu đạt chứng nhận các loại; gần 35ha rau xanh tại Nam Bình có chứng nhận VietGAP; 3ha rau xanh tại Trường Xuân có chứng nhận rau hữu cơ Việt Nam; 40ha sầu riêng tại Thuận Hạnh, 25ha bơ tại Thuận Hà có chứng nhận VietGAP…
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song, vùng sản xuất cà phê tại xã Nam Bình đã đáp ứng tương đối các tiêu chí hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm của nông dân được doanh nghiệp cam kết tiêu thụ từ 400-500 tấn/năm.
Khi thu nhập của người dân được nâng lên, cuộc sống ổn định, bà con sẵn sàng tham gia góp công, góp của, hiến đất để xây dựng NTM. Nhiều công trình đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng, trường học, trạm y tế… được đầu tư nhờ sự đồng tình của người dân.
Thời gian qua, người dân trên địa bàn đã hiến 31.290m2 đất, 500 cây cà phê, 500 trụ tiêu, hàng trăm ngày công để làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ xây dựng NTM.
Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Công Hải, thôn 9, xã Nam Bình hiến 3.500m2 đất; ông Trần Văn Chiến, thôn Bình An, xã Nam Bình hiến 170m2 đất; ông Trần Văn Nghiên, thôn Bình An, xã Nam Bình hiến 700m2 đất… Xã Thuận Hạnh đã vận động quyên góp được trên 1,3 tỷ đồng để triển khai mô hình “đèn sáng an ninh” trên 34 km đường…
Theo ông Võ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, năm 2023, huyện có 5 xã đạt NTM theo tiêu chuẩn giai đoạn 2016-2020. Huyện tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trong đó, huyện chú trọng về sự đóng góp của cá nhân, cộng đồng, những cách làm hay trong xây dựng NTM. Đặc biệt là huyện tuyên truyền về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Thời gian tới, huyện Đắk Song tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ mở rộng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, giúp các xã hoàn thành, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đưa Đắk Song về đích NTM vào năm 2025.