Xác định công tác chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cấp bách trong các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội, Đắk Song đã quyết liệt, khẩn trương triển khai chương trình CĐS đến các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, người dân.
Những tuyến đường không dùng tiền mặt
Nếu như trước đây, đi chợ, trao đổi hàng hoá chủ yếu là dùng tiền mặt thì nay, chị Nguyễn Thị Yến ở xã Thuận Hạnh, mua hàng xong chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR để thanh toán.
Chị Yến cho biết: “Hiện nay ra đường đi ăn sáng, cà phê hay mua sắm gì đó, có khi tôi không mang theo ví tiền. Chỉ cần chiếc điện thoại, với một thao tác quét mã QR là tôi đã thanh toán xong, rất tiện lợi”.
Hiện nay, đoạn đường từ Ngân hàng Agribank đến Trung tâm thương mại huyện Đắk Song là 1 trong 2 địa điểm triển khai “Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt” của Đắk Song.
Còn tiệm Tạp hoá Chiến Kiều, thị trấn Đức An cũng nằm trên “Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt”. Đến nay, có khoảng 60% khách hàng đến tiệm tạp hoá có sử dụng phương thức chuyển khoản để thanh toán.
Bà Trần Thị Kiều, chủ cửa hàng chia sẻ: “Nhiều người mua hàng với số tiền 10.000 đồng cũng chuyển khoản. Việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp cửa hàng dễ dàng quản lý doanh thu, thuận tiện cho người dân, không cần mang theo tiền mặt”.
Còn tại xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, địa phương đã triển khai tuyến đường không sử dụng tiền mặt tại thôn 1 để người dân tiện giao dịch. Đây là bước tiên phong trong việc thúc đẩy CĐS, thanh toán số, áp dụng trên nền tảng công nghệ tiến tiến nhằm hướng tới xã hội số văn minh.
Ông Trần Xuân Vượng, xã Trường Xuân cho hay: “Chương trình CĐS đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Trước đây tôi giao dịch, mua bán nông sản luôn cất giữ lượng tiền lớn, nay chỉ cần chuyển vào tài khoản cá nhân. Đồng thời có thể nhận, chuyển tiền trong và ngoài tỉnh một cách nhanh chóng”.
Theo ông Nguyễn Văn Đô, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, những “Tuyến đường không dùng tiền mặt” đã giúp thay đổi thói quen thanh toán trực tiếp bằng phương thức quét mã QR, chuyển khoản, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế số, xã hội số.
Lãnh đạo UBND huyện Đắk Song cho biết, từ mô hình tại thị trấn Đức An và xã Trường Xuân, đến nay nhiều xã khác như Nam Bình, Nâm N’Jang… cũng đang xây dựng mô hình “Tuyến đường thanh toán không tiền mặt”, góp phần thúc đẩy kinh tế số-xã hội số trên địa bàn.
Xây dựng lộ chuyển đối số bền vững
Theo ông Võ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, kinh tế số bước đầu đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Hiện nay, các xã, thị trấn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Các nhân tố này đã phối hợp với Viettel, VNPT, bưu điện… triển khai nhiều lớp tập huấn giao dịch, mua bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho cá nhân, đơn vị có yêu cầu.
Đến nay, huyện Đắk Song đã có nhiều hộ kinh doanh, HTX đã có sản phẩm trên sàn TMĐT. Nổi bật như cà phê Star, đông trùng hạ thảo, hồ tiêu Bình Tiến… đã được đưa lên sàn Postmart.vn, Voso.vn. Ngoài ra, huyện cũng có một số sản phẩm quảng bá, mua bán trên sàn Ocop.vn.
Theo ước tính của UBND huyện Đắk Song, có khoảng 25% – 30% dân số trên địa bàn huyện tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT, mạng xã hội và các ứng dụng di động như: Lazada, Shopee, Sendo, Facebook, Zalo…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM, huyện đặt ra mục tiêu là tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…
Xuyên suốt lộ trình, việc ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích người dân, HTX, doanh nghiệp… thường xuyên nâng cao trình độ, đầu tư công nghệ nhằm ứng dụng TMĐT trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau xanh…
Ông Ngô Đức Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, hiện nay hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của huyện cơ bản được triển khai đồng bộ. Hoạt động kinh tế số được hình thành và phát triển, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế địa phương.
“Vì thế, ngay từ đầu, Đắk Song đã xây dựng lộ trình, hệ sinh thái phát triển kinh tế số một cách bài bản. Trong đó, quá trình CĐS là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục, vừa cấp bách, vừa lâu dài và bền vững. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân”, ông Trọng cho biết thêm.