Khai thác lợi thế
Năm 2023, sản phẩm yến sào của HTX Nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp Yến Châu Thành, xã Đắk Ru được công nhận OCOP 3 sao.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, sản phẩm của HTX đã được khách hàng mọi miền tin dùng. Đến nay, HTX đang có 14 căn nhà yến, với sản lượng cung ứng mỗi năm ra thị trường gần 1,8 tạ. Giá bán của sản phẩm đang dao động từ 2,8-3 triệu đồng/lạng yến tinh.
Giám đốc HTX Trần Văn Cường thông tin, do HTX vừa sản xuất, vừa chế biến và bán trực tiếp nên giá thành sản phẩm thấp hơn so với những nơi khác.
Thời gian tới, đơn vị sẽ đầu tư xưởng sản xuất ngay tại farm để phục vụ du khách khi tới tham quan. Đây cũng chính là cách giúp người tiêu dùng có thể trực tiếp nhìn thấy quy trình chế biến ra sản phẩm của HTX.
Sản phẩm cà phê bột đạt chứng nhận OCOP 3 sao của HTX Nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp Hoàn Phương, xã Đắk Wer cũng đang được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Bà Trần Thị Phương, đại diện HTX cho biết, trước khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm của đơn vị chỉ bán cho khách hàng thân thiết.
Nhờ được hỗ trợ, sản phẩm đạt chứng nhận, lại được gắn với trưng bày, quảng bá nên được người tiêu dùng trên cả nước biết đến, sức tiêu thụ tăng lên và giá trị nâng cao.
Hiện nay, toàn bộ nguyên liệu chế biến được HTX thu mua từ các xã viên. Đây là những nguyên liệu chất lượng cao, với trên 95% trái chín.
Đơn vị đã đầu tư kho dự trữ, máy móc, thiết bị phục vụ rang, xay, đóng gói cho sản phẩm. Thị trường của sản phẩm hiện nay chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…
“Năm 2024, HTX được hỗ trợ thay đổi mẫu mã bao bì cho sản phẩm bắt mắt và phù hợp với thị hiếu của thị trường”, bà Phương chia sẻ.
Phát triển kinh tế nông thôn
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay, huyện Đắk R’lấp đã có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 và 4 sao. Hiện nay, huyện đã hỗ trợ cho các chủ thể với kinh phí hơn 557 triệu đồng.
Chương trình OCOP đã góp phần phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương. Từ đó, thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế, nhất là các HTX.
Việc tổ chức sản xuất đã quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu…
Các chủ thể từng bước tăng quy mô, cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến về chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Đặc biệt, Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các sản phẩm sau khi được công nhận tăng doanh thu khoảng 10 – 30%; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian qua, ngành Công thương Đắk Nông đã phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo nhiều hình thức cả truyền thống lẫn thương mại điện tử. Đơn vị đã mở các lớp trang bị kỹ năng, kiến thức cho các chủ thể OCOP có sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Sau khi ghé thăm các đơn vị nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP của Đắk R’lấp nâng tầm cho sản phẩm.
Đặc biệt là về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói để rộng đường xuất khẩu cho các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.