Đắk R’lấp có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 56.000ha. Lợi thế về nông nghiệp giúp huyện có nhiều thuận lợi để phát triển san phẩm OCOP.
Những năm gần đây, khi các cấp ngành, đoàn thể huyện Đắk R’lấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thì số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP huyện nhanh chóng tăng lên.
Sản phẩm cà phê bột Bốn Hiệp, xã Quảng Tín được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao năm 2022. Theo ông Trương Công Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, sản phẩm được sản xuất theo các tiêu chuẩn và chế biến ướt.
Quy trình chế biến ướt sẽ góp phần lớn tạo nên cái riêng của sản phẩm cà phê Bốn Hiệp là trái chín lựa 100%, rửa sạch trước khi cho vào máy xát.
Chế biến ướt luôn trải qua các công đoạn chính là phân loại; xát bỏ vỏ quả; lên men loại bỏ chất nhầy; phơi hoặc sấy khô thành phẩm. Những quả cà phê được hái chín đỏ qua quy trình này giữ được lượng đường, vitamin tối đa nên khi chế biến sẽ có chất lượng cao nhất.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk R’lấp, những năm gần đây, huyện quan tâm nhiều hơn đến chương trình OCOP để tạo các chuỗi giá trị kinh tế tại nông thôn, khơi dậy các tiềm năng thế mạnh về tự nhiên, văn hóa, kinh tế.
OCOP được coi là động lực trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện.
Các năm 2023, 2024, huyện đầu tư gần 1 tỷ đồng cho chương trình OCOP. Đầu năm 2024, huyện đưa vào hoạt động gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại trung tâm huyện. Đây là địa điểm thuận lợi để người dân, du khách tham quan, mua sắm.
Huyện tích cực vận động, hỗ trợ để các chủ thể, sản phẩm nâng tầm sản phẩm, được công nhận OCOP, sau khi công nhận tiếp tục tham gia các hoạt động về giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ.
Với những hoạt động mạnh mẽ của mình, năm 2024, OCOP huyện đạt được kết quả cao nhất từ trước đến nay. Mới đây, huyện Đắk R’lấp đã tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm đề nghị công nhận OCOP năm 2024 cho 9 sản phẩm mới và 2 sản phẩm công nhận lại của 10 chủ thể.
Các sản phẩm này có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bảo đảm quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở kết quả chấm thẩm định, huyện đánh giá 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Đắk R’lấp đã cơ bản có 21 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, trong đó một số sản phẩm được đề nghị UBND tỉnh công nhận lại 4 sao. Đây là năm huyện có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất từ trước đến nay.
Theo chị Thị Hà Ri Na, bon Bù Za Záh, xã Nghĩa Thắng, chị rất vui mừng vì sản phẩm rượu cần của mình được công nhận OCOP 3 sao. Đây là là niềm tự hào của chị và cộng đồng bon Bù Za Záh.
Chị chú ý nhiều hơn đến các bước chuẩn bị nguyên liệu đạt an toàn vệ sinh, chất lượng tốt, sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc tiện lợi cho khách hàng.
Chị mong rằng, sản phẩm của mình sẽ tiếp tục được địa phương hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nhằm duy trì được nghề truyền thống một cách bền vững, nâng cao thu nhập cho bản thân và cộng đồng bản địa.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk R’lấp, chương trình OCOP của huyện ngày càng được nhiều chủ thể quan tâm, từ hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã, chính vì thế sản phẩm đa dạng trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế địa phương.
OCOP đã góp phần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế, nhất là các HTX.
Nhiều sản phẩm OCOP của huyện được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, giá trị, an toàn thực phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-r-lap-dau-tu-manh-cho-ocop-235414.html