Chiều 21/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến chủ trì Phiên họp tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2024.
Năm 2023, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn Đắk Nông ổn định. Nhiều chính sách, chương trình tín dụng thực hiện kịp thời. Tính đến tháng 12/2023, dư nợ qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh là 4.279 tỷ đồng, tăng 17,27% so với thời điểm đầu năm 2023 (tương đương 630 tỷ đồng). Toàn tỉnh có gần 73.000 hộ vay vốn chính sách.
Trong đó, nhiều chương trình có tăng trưởng dư nợ cao như: cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn…
Hoạt động giao dịch xã hoạt động ổn định, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn. Công tác phối hợp cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể được nâng cao.
Đến hết năm 2023, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị, xã hội chiếm hơn 99% dư nợ toàn NHCSXH tỉnh. Hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn cơ sở được kiện toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.593 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động.
Tuy nhiên, trong năm 2023, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của người dân còn hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao hơn năm 2022. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách ở một số địa phương làm chưa tốt.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến nhấn mạnh, năm 2024, dự báo kinh tế, xã hội trên địa bàn còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Đắk Nông phấn đấu mức tăng trưởng tín dụng chính sách 12-14%. Để hoàn thành mục tiêu này, NHCSXH ưu tiên nguồn vốn cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách.
Trong đó, nguồn vốn cần ưu tiên cho một số địa phương có số hộ nghèo, cận nghèo chưa vay vốn NHCSXH còn cao như: Tuy Đức, Đắk Glong. Đối với những hộ không có tư liệu sản xuất, các huyện, thành phố có thể hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi. Một số tổ chức hội chú trọng đến đối tượng bộ đội xuất ngũ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn.
Các địa phương nhân rộng mô hình vay vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Các huyện, thành phố ưu tiên nguồn ngân sách để bổ sung cho NHCSXH phục vụ người nghèo vay.
NHCSXH tỉnh đề xuất Trung ương có cơ chế đặc thù cho đối tượng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh để họ được tiếp cận vốn chính sách…