Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2025, Đắk Nông có 70% trở lên các bon, buôn đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghề dệt của người M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao. Toàn tỉnh xây dựng ít nhất 1 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đề nghị cấp thẩm quyền đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đắk Nông phấn đấu xây dựng ít nhất 2 mô hình tổ hợp tác dệt thổ cẩm nhằm bảo tồn và phát triển dệt, sản xuất, may sản phẩm, trang phục thổ cẩm truyền thống và hàng thủ công mỹ nghệ tại một số điểm đến phục vụ khách du lịch…
Đề án đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Một là khảo sát, kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số M’Nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao. Hai là bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao trên địa bàn tỉnh. Ba là, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về thổ cẩm truyền thống các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao trên địa bàn tỉnh. Bốn là giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên chất liệu thổ cẩm (khảo sát lựa chọn 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm thổ cẩm truyền thống và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trên chất liệu thổ cẩm do nghệ nhân làm ra). Năm là trang bị khung dệt cải tiến, trang thiết bị cho dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao. Sáu là tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch gắn với nghề thổ cẩm.
Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch; theo dõi tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Đắk Nông…