Thời gian này, HTX Thịnh Phát (Đắk Glong) đang tập trung thu hoạch cải thảo. HTX có gần 30 ha cải thảo của các xã viên được sản xuất theo kiểu xoay vòng. Hàng tháng, sản lượng thu hoạch cải thảo khá lớn, nên việc tiêu thụ luôn được HTX quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX cho biết, mỗi tháng, HTX xuất bán 20 tấn cải thảo cho một doanh nghiệp ở Long An. Sản lượng còn lại của HTX được bán cho các chợ đầu mối, nhưng vẫn chưa ổn định.
Từ đầu tháng 10/2023, HTX tiến hành sản xuất thêm củ cải, với sản lượng khoảng 200 tấn mỗi tháng. Trong đó, chỉ có khoảng 25 tấn được doanh nghiệp bao tiêu ổn định với giá 5.500 đồng/kg.
Việc tìm kiếm, kết nối các đối tác tiêu thụ sản phẩm mang tính lâu dài, bền vững vẫn đang được HTX tìm kiếm nhằm nâng cao thu nhập cho xã viên, nhất là những tháng cuối năm.
Ông Hoàng Văn Đồng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đắk Glong cho biết, năm 2023, UBND huyện tiếp tục thúc đẩy các hoạt động nhằm kết nối tiêu thụ nông sản thông qua nhiều kênh khác nhau.
Từ đó, nhiều doanh nghiệp, HTX, trang trại đã kết nối, tìm kiếm được những đối tác phù hợp, góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Tuy nhiên, việc kết nối tiêu thụ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Chính vì thế, huyện tiếp tục hỗ trợ, đồng hành để tháo gỡ các khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Huyện triển khai xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn trên cơ sở hợp tác, liên kết. Huyện nhân rộng các chuỗi nông sản có chứng nhận nông nghiệp tốt, an toàn.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, những tháng cuối năm, tăng cường kết nối tiêu thụ các nông sản. Đây là giai đoạn mà nhiều loại nông sản bước vào vụ thu hoạch như rau củ, cà phê, cây ăn quả…
Việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản cuối vụ được huyện Đắk Song thực hiện sớm, gắn với nhiều hình thức, hoạt động. Trong đó, huyện xây dựng các chương trình, dự án về hồ tiêu cảnh quan; cà phê bền vững để tạo vùng nguyên liệu lớn, ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm. Từ đó, giúp quảng bá thương hiệu tốt hơn.
“Khi ổn định được sản lượng, chất lượng sản phẩm thì sẽ thuận lợi hơn cho việc kêu gọi, kết nối các nhà tiêu thụ”, ông Vinh cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, kết nối tiêu thụ nông sản là một trong những nội dung trọng tâm của ngành Nông nghiệp. Năm nay, Sở NN-PTNT đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể để nâng cao hiệu quả hoạt động này.
Từ đầu năm đến nay, đã có gần 30 doanh nghiệp đến khảo sát và làm việc với tỉnh Đắk Nông để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Ngành Nông nghiệp đã kết nối với một số doanh nghiệp lớn để tiêu thụ nông sản tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu.
Cụ thể như Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh; Công ty MM Mega Market; Tập đoàn Central Retail Việt Nam; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Linh; Công ty CJ Foods, VietFarm…
Ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông khẳng định, từ nay đến cuối năm, nhiều nông sản ngắn ngày, dài ngày chủ lực cấp tỉnh, địa phương vào thời kỳ thu hoạch.
Nổi bật như diện tích hồ tiêu của tỉnh hiện khoảng 33.985 ha, dự kiến sản lượng thu hoạch khoảng 69.762 tấn; cà phê khoảng 140.000 ha cà phê, sản lượng khoảng 356.612 tấn…
Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông sẽ triển khai các giải pháp nhằm kết nối đầu ra cho nông sản, góp phần ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.