Hiện nay, hồ tiêu là một trong 4 cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Hồ tiêu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh.
Tính đến hết năm 2023, diện tích hồ tiêu Đắk Nông ước đạt khoảng 34.000ha, sản lượng năm ước đạt 73.000 tấn/vụ. Cây hồ tiêu được trồng tập trung chủ yếu ở các địa bàn như Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong…
Cây hồ tiêu đã khẳng định vị thế và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Với diện tích lớn, hàng năm nhu cầu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cây tiêu khá cao.
Lượng phân vô cơ sử dụng cho cây tiêu khoảng 34.000 tấn/năm, chủ yếu là dạng NPK tổng hợp. Ngoài ra, chưa kể đến phân chuồng và phân hữu cơ do người dân tự sản xuất.
Còn đối với thuốc BVTV, bình quân mỗi năm, nông dân sử dụng khoảng 2 – 3 lần phun, với lượng thuốc sử dụng khoảng từ 40.000 – 50.000 lít/năm. Chủ yếu là các loại thuốc trừ bệnh vào mùa mưa, thuốc trừ rầy rệp chích hút.
Trước đây, khi giá tiêu tăng cao, gia đình ông Trần Văn Hiền ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã đầu tư mở rộng diện tích hồ tiêu. Do chưa nắm vững kỹ thuật trồng, khả năng thích ứng với đất đai và môi trường của cây tiêu nên vườn tiêu của ông Hiền bị nhiễm bệnh, kém phát triển.
Ông Hiền cho biết: “Do tôi thấy cây tiêu cho thu nhập cao nên đã bỏ qua những rủi ro trong quá trình trồng, chăm sóc và phòng bệnh. Do đó, vườn tiêu không đạt hiệu quả như mong muốn”.
Không riêng ông Hiền, nhiều nông dân trong vùng cũng cùng suy nghĩ, khi giá tiêu ở mức cao thì càng không ngần ngại lạm dụng phân bón hóa học và chất kích thích sinh trưởng để thúc đẩy cây tiêu nhằm nâng cao năng suất, sản lượng.
Không những thế, nhiều hộ còn trồng cây tiêu trên những chân đất không phù hợp, sử dụng giống nhiễm bệnh, trụ tạm. Cùng với đó, tình trạng mưa nhiều và mưa kéo dài gây ngập úng làm thối rễ, dẫn đến hiện tượng vườn tiêu bị vàng lá và chết nhiều.
Theo Chi cục NN – PTNT Đắk Nông, để giúp người dân canh tác tiêu hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với các ngành và địa phương đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền, cung cấp cho người dân các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng.
Trong đó, đơn vị chú trọng, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh hướng dẫn và tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học cũng như bón phân không hợp lý.
Đồng thời, địa phương xây dựng nhiều mô hình sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp như vỏ cà phê, thân cây bắp, cành lá thực vật… để sản xuất phân bón hữu cơ, thay thế một phần phân bón hóa học, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo Sở NN-PTNT, nhiều hộ nông dân đã áp dụng phương pháp bón phân cân đối hợp lý, bón lấp đất và sử dụng các loại phân bón chậm tan. Điều này đã hạn chế rất lớn sự bay hơi của phân bón do ảnh hưởng của thời tiết nắng và mưa.
Về quản lý sâu bệnh hại, trong những năm qua, từ Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nông dân đã hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học nhằm bảo vệ thiên địch, ưu tiên lựa chọn các loại thuốc BVTV sinh học và thảo mộc.
Bên cạnh đó, do yêu cầu về chất lượng nông sản khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đặc biệt là dư lượng thuốc BVTV và phân bón, nên ý thức và trách nhiệm của nông dân đã được nâng cao rõ rệt.
Để sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế hiệu ứng khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, Đắk Nông còn thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật như: canh tác đa tầng, nuôi cỏ, tạo thảm thực vật trên vườn, làm cỏ bằng máy cắt, hạn chế xói mòn rửa trôi, bón phân kết hợp tưới nước
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-thay-doi-cach-dung-phan-bon-cua-nong-dan-235106.html