Hiện nay, Đắk Nông có 4 sản phẩm chủ lực là cà phê, tiêu, điều và cao su. Các sản phẩm này đã có thị trường xuất khẩu chính ngạch ổn định tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Australia, Indonesia, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Ngoài ra, Đắk Nông còn có một số sản phẩm chủ yếu là trái cây, củ quả các loại. Để triển khai thực hiện hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng vùng trồng, tổ chức hội thảo và diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Gia đình ông Trần Văn Thanh ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có hơn 2ha xoài Đài Loan và xoài 3 mùa theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, vườn xoài của ông Thanh cho thu hoạch khoảng 50 tấn trái. Ước tính với giá bán 10.000 đồng/kg, gia đình ông Thanh thu về được 400 triệu đồng/năm.
Ông Thanh cho biết: “Tôi tham gia trồng xoài VietGAP từ năm 2019 do Hội Nông dân Đắk Nông triển khai. Đồng hành với chúng tôi có các hợp tác xã và doanh nghiệp, nên việc phát triển vùng nguyên liệu hết sức thuận lợi”.
Theo ông Thanh, trồng xoài đạt chuẩn sạch thì việc tiêu thụ dễ dàng hơn. Do đó, ông luôn tuân thủ các kỹ thuật trong sử dụng vật tư nông nghiệp, ghi chép các bước từ đầu vụ đến cuối vụ để đáp ứng yêu cầu cam kết với đối tác liên kết.
Còn tại huyện Krông Nô, Hội Nông dân Đắk Nông đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng cánh đồng lúa VietGAP có diện tích trên 600ha. Ngay từ đầu, vùng sản xuất lúa VietGAP xã Buôn Choáh đã hoàn thiện quy trình sản xuất, giúp chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng của hạt gạo được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để giúp nông dân mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông sản, đơn vị đã kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã để tổ chức sản xuất theo quy mô hàng hóa.
Hội Nông dân tỉnh kết nối với Hội làm vườn Việt Nam, Hiệp hội rau củ quả Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và hơn 100 doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Bình Thuận, Hà Nội, An Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bến Tre… liên kết với nông dân sản xuất nông sản.
Việc xây dựng vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị đã được các cấp hội nông dân và hợp tác xã áp dụng cho nhiều loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng mở rộng các loại cây trồng chủ lực, có thế mạnh, đặc sản và sản xuất theo hướng an toàn.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình nông nghiệp đa dạng về hình thức tổ chức sản xuất, quy tụ được số đông người dân tham gia.
Do đó, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đã làm cầu nối gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản. Nhiều loại cây trồng chiến lược của tỉnh như cà phê, hồ tiêu… bước đầu thực hiện cách thức tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số vùng sản xuất hiệu quả, giàu tiềm năng được tỉnh công nhận là vùng sản xuất công nghệ cao (CNC). Trong đó nổi bật như: Vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC Buôn Choáh, huyện Krông Nô, với diện tích gần 600ha; 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng CNC tại hai xã Thuận Hạnh và Thuận Hà, huyện Đắk Song, với diện tích trên 1.500ha; vùng sản xuất cà phê ứng dụng CNC Thuận An, huyện Đắk Mil, có tổng diện tích 335ha…
Cũng theo ông Gấm mục tiêu của Hội Nông dân tỉnh là liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản; xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-tap-trung-nang-cao-chuoi-gia-tri-nong-san-231681.html