Thời gian này, anh Chảo Phu Nhân, thôn 4, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong thường xuyên thăm đồng để chăm sóc 2 sào lúa. Anh Nhân cho rằng, giai đoạn này cây lúa phát triển thân, lá non. Thời tiết thay đổi thất thường, nắng, mưa xen kẽ, nhiệt độ xuống thấp càng làm cho sâu bệnh hại dễ phát sinh.
Do đó, anh chú trọng thăm đồng để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, sâu đục thân. Anh tỉa dặm cho đều cây lúa và nhổ cỏ, chuẩn bị bón thúc cho giai đoạn cây lúa làm đòng, trổ bông. Anh chú trọng bón phân đối các thành phần N-P-K để cây lúa cứng cáp, phát triển khỏe mạnh.
Vụ đông xuân này, gia đình bà Nguyễn Thị Quế, thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song sản xuất 1ha bắp, đậu phụng. Bà đang tích cực làm cỏ, vun gốc và phòng chống sâu bệnh hại cho cây trồng.
Bà Quế cho rằng, lo ngại nhất của bà là sự xuất hiện của sâu keo, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời thì loài sâu này có thể gây hại bắp một cách nhanh chóng, ảnh hưởng nặng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, thậm chí có thể mất trắng.
Do đó, bà phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời xử lý sâu bệnh, có những biện pháp thủ công để phòng chống như phát quang bờ để không có chỗ cho sinh vật gây hại ẩn nấp.
Trong trường hợp cần thiết bà sẽ phun thuốc để phòng, chống loài sâu này gây hại theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng chống sâu bệnh hại vụ đông xuân là một nhiệm vụ rất quan trọng của ngành.
Từ đầu vụ đông xuân, các địa phương, khuyến nông, bảo vệ thực vật cơ sở hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác chuẩn bị phục vụ sản xuất để phòng chống sâu bệnh hại.
Cụ thể như bà con cần chuẩn bị kỹ, tốt về vật tư, thực hiện vệ sinh, dọn sạch tàn dư thực vật trên đồng ruộng, tiến hành làm đất, cày, bừa, phơi ải đất. Điều này đã góp phần tạo độ thông thoáng, tơi xốp cho đất giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh.
Một giải pháp kỹ thuật khác được các địa phương thực hiện là động viên, hướng dẫn người dân gieo trồng tập trung, đồng loạt nhằm hạn chế sự phát sinh, gây hại của sâu bệnh hại, đồng thời tránh hạn vào cuối vụ.
Ngành Nông nghiệp tỉnh hướng dẫn và nhân rộng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng, sử dụng giống chống chịu sâu bệnh và các biện pháp để trồng cây khỏe.
Ngành Nông nghiệp khuyến khích người dân sử dụng hợp lý, cân đối và hiệu quả phân bón hữu cơ và phân bón tổng hợp N-P-K có bổ sung trung lượng, vi lượng sẽ giúp cây phát triển tốt.
Bà con đẩy mạnh áp dụng quy trình 3 giảm, 3 tăng trên cây lúa, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiết kiệm trong sử dụng phân bón; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, hiện nay, đội ngũ kỹ thuật của ngành thường xuyên theo dõi diễn biến của các đối tượng dịch hại trên cây trồng.
Đặc biệt, lực lượng chuyên môn chú ý một số sâu bệnh như đạo ôn, khô vằn, bọ trĩ, sâu cuốn lá trên lúa; bệnh khô vằn, sâu keo mùa thu trên cây bắp; bệnh héo rũ, lở cổ rễ trên các loại đậu.
Từ đó, ngành chức năng có những dự báo, khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể các biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến giữa tháng 1/2025, với tinh thần chuẩn bị kỹ càng, xuống giống nhanh, người dân Đắk Nông đã sản xuất được trên 2.000ha cây trồng các loại, nhanh hơn so với năm trước khoảng 1.300ha. Trong đó, một số địa phương có diện tích xuống giống sớm như huyện Krông Nô, Cư Jút, Tuy Đức.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-tap-trung-bao-ve-cay-trong-vu-dong-xuan-240171.html