Tính đến hết tháng 5/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng NNƯDCNC với quy mô 2.423,17 ha. Cụ thể, gồm 1 vùng cà phê tại huyện Đắk Mil, 2 vùng hồ tiêu tại huyện Đắk Song và 1 vùng lúa tại huyện Krông Nô.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT, về cơ chế chính sách để hỗ trợ riêng cho các vùng NNƯDCNC của Trung ương và của tỉnh hiện nay chưa có. Chính vì thế, Sở đang tham mưu UBND tỉnh chính sách hỗ trợ riêng cho các vùng đang xây dựng và đã được công nhận nhằm tạo thêm lực cho các vùng này.
Mặc dù vậy, thông qua các chính sách, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch có liên quan, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã trực tiếp có những nội dung, hoạt động hỗ trợ cho các hợp tác xã, nông dân trực tiếp sản xuất tại các vùng NNƯDCNC.
Cụ thể như về đất đai, hàng năm, ngành Tài nguyên – Môi trường các cấp đã thực hiện rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với mục tiêu, định hướng về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, tránh chồng lấn với các dự án khác.
Ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP và các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt khác. Điển hình như các ngành đã hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý “Hồ tiêu Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu đối với 11 tổ chức, cá nhân tại vùng NNƯDCNC thuộc các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, huyện Đắk Song.
Thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng NNƯDCNC. Cụ thể như huyện Krông Nô đầu tư trạm bơm Buôn Choáh.
Dự án VnSAT đã thực hiện hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất cà phê bền vững tại vùng cà phê NNƯDCNC huyện Đắk Mil, trong đó có HTX Công Bằng Thuận An.
Giai đoạn 2021-2023, Sở Công thương đã hỗ trợ 2 cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp tại các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
UBND tỉnh đánh giá, phát triển vùng NNƯDCNC tại Đắk Nông chưa tương xứng với tiềm năng. “Nút thắt” của vấn đề là sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống, canh tác tự phát, thiếu liên kết chưa hình thành vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu nền sản xuất hàng hóa tập trung. Các vùng NNƯDCNC chưa đóng vai trò định hướng, tiên phong cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Nhìn nhận vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho rằng: Kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp của tỉnh thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư, bố trí để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vùng NNƯDCNC chưa tương xứng, thiếu tập trung.
Về giải pháp, lãnh đạo tỉnh khẳng định, Đắk Nông tập trung các nguồn lực của tỉnh để hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung. Các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp, kinh tế hợp tác đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh.
Phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; trong đó, thực hiện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hợp tác; thúc đẩy liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất tập trung; chuyển đổi mạnh mẽ từ các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”.
Do đó, tỉnh đang tập trung chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện và triển khai cơ chế, chính sách đặc thù để tăng thêm sức mạnh cho các vùng NNƯDCNC. Từ đó, tỉnh kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển bền vững của ngành NN-PTNT.