Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Đắk Nông đang đặt ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu lớn hơn, cao hơn cho giai đoạn tới. Điều này đòi hỏi nhiều áp lực đối với đội ngũ những người làm công tác NTM các cấp.
Anh Lê Minh Đức, công chức địa chính xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) nhiều năm nay kiêm nhiệm công tác NTM. Theo anh Đức, NTM tại xã hiện nay có khối lượng công việc rất lớn.
Chương trình NTM có nội dung bao trùm hết các mặt, các mảng của đời sống kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Do đó, đòi hỏi cán bộ làm NTM phải có sự chuyên sâu, chuyên nghiệp. Trong khi các yếu tố như trang thiết bị, máy móc, phương tiện, internet hỗ trợ người làm NTM ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn.
Mặc dù xã Đắk Sin đã đạt chuẩn NTM nhưng mới ở mức độ cơ bản. Vì vậy, yêu cầu về nâng cao chất lượng từng tiêu chí NTM trên địa bàn xã còn cả một quá trình dài. Áp lực vì thế còn nặng đối với địa phương, nhất là người làm công tác NTM
Trong bối cảnh, yêu cầu tiêu chí càng khó hơn, đòi hỏi người làm NTM ở xã, thôn như anh Đức phải có những cách làm phù hợp, khoa học để tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, địa phương có được những giải pháp tốt.
Theo ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Đắk Nông, những năm qua, tỉnh đã quan tâm kiện toàn bộ máy, đội ngũ làm công tác NTM các cấp. Bộ máy chỉ đạo, tham mưu, giúp việc NTM các cấp được củng cố và kiện toàn thường xuyên.
Điều này đã giúp tỉnh xây dựng, ban hành được nhiều chính sách, cơ chế triển khai Chương trình NTM một cách đầy đủ, phù hợp với các yêu cầu của từng giai đoạn.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, vấn đề con người trong xây dựng NTM hiện nay vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập. Cụ thể, số lượng nhân sự làm việc chuyên trách tại văn phòng điều phối NTM tỉnh, huyện còn rất ít. Do đó, dẫn đến công tác tham mưu về NTM chưa kịp thời, chưa sâu sát, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tại Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh hiện không có phòng, ban, bộ phận trực thuộc, chỉ có 4 cán bộ chuyên trách. Ban lãnh đạo gồm Chánh Văn phòng do Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm nhiệm và một Phó Chánh Văn phòng chuyên trách.
Còn cán bộ văn phòng điều phối NTM cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Điều này dẫn đến tình trạng tiến độ, chất lượng tham mưu về NTM không kịp thời, kém hiệu quả.
Đối với cấp xã, cán bộ phụ trách xây dựng NTM là công chức địa chính, xây dựng, nông nghiệp, môi trường. Thế nhưng, vị trí công chức này phải luân chuyển liên tục (thường 3 năm một lần). Do đó, ảnh hưởng rất lớn tới quá trình tham mưu, tính ổn định không cao, nhiều khi làm gián đoạn quá trình triển khai thực hiện.
Ông Sinh cho rằng, trước những yêu cầu cao hơn của giai đoạn mới, việc “tăng lực” cán bộ NTM các cấp là điều rất cần thiết. Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đề xuất UBND tỉnh, Trung ương tăng thêm nhân lực; bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác NTM các cấp; bố trí thời gian đầy đủ để cán bộ NTM các cấp hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Để công việc trở nên hiệu quả, Trung ương cần quy định văn phòng NTM cấp tỉnh phải có ít nhất 2 phòng trực thuộc. Về con người, đối với văn phòng NTM cấp tỉnh phải bảo đảm tối thiểu có 5 biên chế.
Đối với văn phòng NTM cấp huyện thì không làm phát sinh biên chế so với tổng biên chế được giao, nhưng tối thiểu phải có 3 biên chế làm việc chuyên trách. Đối với cấp xã cần bố trí ít nhất một công chức chuyên trách về NTM…