“Chủ tịch đứng đầu, sau đó đến các phó chủ tịch, rồi đến trưởng phòng kinh tế hạ tầng. Tất cả phải tận tâm, tận lực”. Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười tại Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 chiều 19/2.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phải tập trung vào yếu tố con người, thay đổi từ khâu cán bộ. Cá nhân nào làm không được kiên quyết luân chuyển, thay cho đúng trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ.
Giám đốc sở, ngành, các địa phương phải phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu. Lãnh đạo nào tận tâm, quan tâm sát sao nhiệm vụ thì địa phương đó thành công.
Bởi thực tế đã chứng minh, có những huyện dù khó khăn, nhưng vẫn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Đối với những đơn vị, tập thể làm tốt, UBND tỉnh sẽ khen thưởng, động viên kịp thời.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn các chương trình MTQG trong năm 2025.
Liên quan đến chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Tuấn Anh khẳng định, so với các chương trình khác, việc triển khai thực hiện chương trình này có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương cần chủ động, tích cực bố trí vốn đối ứng.
“Đối với nguồn vốn năm 2024 chuyển qua, các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục nên tập trung thực hiện. Một số huyện đăng ký hoàn thành nông thôn mới vào năm 2025 phải tập trung hoàn thành các chỉ tiêu”, ông Phạm Tuấn Anh đề xuất.
Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bùi Ngọc Sơn cho rằng, các địa phương, sở, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn. Bởi nguồn vốn hiện nay rất lớn, nếu không thực hiện hết, bà con nghèo trên địa bàn sẽ bị thiệt thòi.
Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hoàng Viết Nam cho rằng, tình trạng chậm giải ngân hiện nay một phần xuất phát từ tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm.
Trong đó, phải kể đến đội ngũ cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp xã trực tiếp làm dự án. Đối với 2 huyện có số chương trình, dự án lớn, là Tuy Đức, Đắk Glong cần chủ động chuyển nguồn các dự án.
“Các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình MTQG đã được tháo gỡ. Quan trọng bây giờ tất cả các đơn vị, địa phương có dám nghĩ, dám làm hay không?”, ông Nam nhấn mạnh.
Về tiến độ triển khai các chương trình MTQG, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần khẳng định, đến hiện tại, địa phương cơ bản tháo gỡ xong khó khăn về quy hoạch huyện, xã.
Giờ chỉ có vướng mắc liên quan đến Chương trình phát triển kinh tế dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. “Chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ dần dần khó khăn này. Còn các dự án khác, huyện phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn 2025”, ông Thuần cam kết.
Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Nguyễn Quang Tứ thông tin, đến nay, địa phương đã giải ngân được 162/271 tỷ đồng vốn các chương trình MTQG, đạt 68% kế hoạch. Trong số này, chương trình nông thôn mới chiếm số vốn khá lớn.
“Chúng tôi tập trung nguồn lực hoàn thành các chỉ tiêu phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2025. Một số chương trình khác có tỷ lệ giải ngân thấp, huyện sẽ có chỉ đạo khắc phục để tập trung giải ngân”, ông Tứ khẳng định.
Liên quan đến giải ngân đầu tư công nói chung, các chương trình MTQG nói riêng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Xuân Trung nhấn mạnh năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn, tỉnh không còn nhiều thời gian nữa.
Còn một số nguồn vốn sự nghiệp không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân thấp. Các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời trình HĐND tỉnh để điều chuyển cho các dự án giải ngân tốt.
UBND tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả triển khai, thực hiện các dự án thuộc các chương trình.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh năm 2025 không còn đường lùi. Thậm chí, có những khoảng trống không còn lùi được, mà bằng mọi giá Đắk Nông phải làm bằng được.
Các dự án, công trình phải bắt tay tăng tốc gấp từ 5 – 6 lần. Muốn làm được điều này, ngay sau hội nghị, các huyện, chủ đầu tư gửi ngay cho UBND tỉnh danh mục dự án sẽ đầu tư thuộc 3 chương trình MTQG.
Về phía chủ đầu tư, tích cực mời những nhà thầu, nhất là những nhà thầu của các dự án trọng điểm để làm việc và có cam kết với địa phương. Những nhà thầu còn vướng pháp lý, chủ đầu tư phải quản lý chặt nguồn tiền của mình, tránh tình trạng nể nang trong xử lý công việc.
Trong quá trình triển khai các dự án, vấn đề nào làm được hay không làm được, chủ đầu tư phải kịp thời đề xuất kiến nghị. UBND tỉnh hứa sẽ giải quyết đến cùng, tránh tình trạng vấn đề gì cũng chờ họp mới nói, dẫn đến chậm trễ, mất thời gian.
Giai đoạn 2022-2025, nguồn vốn phục vụ phát triển 3 chương trình MTQG tại Đắk Nông là 3.813 tỷ đồng. Đến 31/1/2025, toàn tỉnh giải ngân gần 2.180 tỷ đồng, đạt 70,7% kế hoạch. Trong đó, chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 670 tỷ đồng, đạt 79,1%; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 416 tỷ đồng, đạt 78,2%; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân gần 658 tỷ đồng, đạt 80,6%.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-se-thay-can-bo-neu-giai-ngan-dau-tu-cham-243292.html