Sáng 19/3, Viện Khoa học Xã hội (KHXH) vùng Tây Nguyên báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ thôn 7, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô (Đắk Nông).
Theo báo cáo, từ ngày 10/3/2024, đoàn các nhà khoa học gồm 8 thành viên đến từ Viện KHXH vùng Tây Nguyên đã tiến hành khai quật địa điểm khảo cổ tại thôn 7. Đoàn đã khai quật 2 hố ở trung tâm và nơi cao nhất của di tích với tổng diện tích 26m², cách nhau 33m. Hố 1 rộng 16m² (4mx4m), hố 2 rộng 10m² (2mx5m), ở độ cao 430m so với mực nước biển.
Trên diện tích khai quật, đoàn đã thu được khoảng 100 hiện vật. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong các hiện vật đăng ký có 17 thạch đá, 28 nạo cắt, 14 công cụ mũi nhọn, 8 công cụ chặt, 24 mảnh tước, 1 phiến tước, số còn lại là chày, phác vật rìu, bàn mài.
Việc tìm thấy các công cụ đá, thạch đá, mảnh tước và sự phân bố thành cụm ở trên tầng văn hóa độ sâu 60-70cm, các nhà khoa học cho biết thôn 7 có thể là nơi cư trú và là nơi chế tác công cụ đá của cư dân thời tiền sử cách ngày nay khoảng 1 vạn năm, nằm ở khung thời gian chuyển tiếp từ cuối Đá cũ – đầu Đá mới, từ hoạt động kinh tế săn bắt hái lượm độc tôn sang kinh tế trồng trọt sơ khai.
Cuộc khai quật di tích đã bổ sung tiềm năng di sản, tư liệu nghiên cứu lịch sử, văn hóa khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Qua đó góp phần bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị di sản khảo cổ trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung.
Trên cơ sở những kết quả khảo sát sơ bộ năm 2022, 2023 và kết quả khai quật 2024, Viện KHXH vùng Tây Nguyên đề xuất tỉnh Đắk Nông tiếp tục điều tra, tìm kiếm, phát hiện các di tích khảo cổ ở khu vực lân cận di tích thôn 7, có cùng nguồn gốc là các thềm sông cổ, với cùng độ cao để nghiên cứu về khả năng xác lập một nền văn hóa Đá cũ trong mối liên hệ với văn hóa Đá mới ở khu vực Krông Nô cũng như ở Đắk Nông.
Tỉnh tiếp tục nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ trong mối liên kết với hệ thống các di sản tự nhiên và văn hóa hiện có của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch gắn với giá trị di sản đa dạng, hấp dẫn phục vụ du khách, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Nông.