Sản xuất sầu riêng còn nhiều hạn chế
Niên vụ sầu riêng 2023, các doanh nghiệp, HTX của Đắk Nông đã xuất khẩu chính ngạch gần 1.400 tấn quả sầu riêng tươi sang Trung Quốc; khoảng 300 tấn cơm sầu riêng sang Thái Lan.
Theo ông Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, sầu riêng tăng giá khiến người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Trong đó, phần lớn nông hộ chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, chưa quan tâm đến chất lượng mà chỉ chạy theo số lượng.
Vì thế, chất lượng sản phẩm sầu riêng đang có nhiều vấn đề cần quan tâm. Sầu riêng Đắk Nông thiếu cam kết về số lượng, chất lượng giữa người sản xuất và người thu mua.
Trong bối cảnh người trồng sầu riêng chưa liên kết chặt chẽ với các đơn vị chế biến thì nguy cơ cung vượt cầu, không tự chủ được đầu ra là rất cao. Ngược lại, cơ sở vật chất, quy mô hoạt động sơ chế, chế biến của các doanh nghiệp Đắk Nông còn hạn chế, công suất nhỏ so với nhu cầu của người sản xuất.
“Từ đó, dẫn tới tình trạng không tiêu thụ hết sản phẩm, làm giá cả và chất lượng, uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Tôn cho biết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), hiện nay, việc phát triển cây sầu riêng ở các địa phương có những điểm yếu và thách thức rất cao. Trước hết, do quy mô canh tác nhỏ lẻ, trồng xen nên khó áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đến nay, cây sầu riêng vẫn chưa có quy trình canh tác và bộ giống phù hợp cho các vùng sinh thái của Đắk Nông. Trong khi người trồng khai thác năng suất quá mức, chưa tạo được sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, nên khả năng cạnh tranh về lâu dài sẽ gặp khó khăn.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, đến năm 2023, diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Nông đạt 10.309 ha, tăng 4.170 ha so với năm 2022. Diện tích sầu riêng cho thu hoạch ước khoảng 4.105 ha, với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt trên 41.000 tấn/vụ.
Mặt khác, do người trồng sầu riêng chưa khắc phục, kiểm soát được tình trạng sâu bệnh, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá mức làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu ngành hàng sầu riêng của địa phương.
Chú trọng phát triển bền vững
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển sầu riêng bền vững gắn với mã vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương. Tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, kết nối tiêu thụ. Việc kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sầu riêng từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu cũng được địa phương chú trọng thực hiện.
Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, ngành Nông nghiệp đã rà soát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, trong đó có sầu riêng.
Đối với cây sầu riêng, ngành Nông nghiệp đã tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho người sản xuất, các HTX. Người trồng sầu riêng cũng từng bước tiếp cận, áp dụng hiệu quả các quy trình kỹ thuật sản xuất có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ….
Các cấp, ngành chuyên môn đã tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng mã vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ truy xuất nguồn gốc. Từ đó, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu sầu riêng Đắk Nông.
Tính đến 12/2023, tỉnh Đắk Nông có 26 mã vùng trồng sầu riêng, với diện tích hơn 644 ha, sản lượng ước đạt 7378 tấn/năm. Tỉnh có 6 mã đóng gói sầu riêng, với quy mô 8.490 m2, công suất đạt 730 tấn/ngày.