Cà phê là cây trồng có tỷ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông, chiếm khoảng trên 35%. Tuy nhiên, sản xuất cà phê của tỉnh thời gian qua vẫn còn không ít tồn tại, canh tác manh mún, nhỏ lẻ, truyền thống, sản xuất tự phát, liên kết yếu, chưa hình thành vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu nền sản xuất hàng hóa tập trung.
Để nâng cao chất lượng, giá trị ngành hàng cà phê, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng các mô hình, chuyển giao kỹ thuật giúp người dân ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Điển hình như mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị. Được triển khai giai đoạn từ năm 2021-2023, với quy mô 10 ha, 10 hộ tham gia, địa điểm triển khai tại xã Tân Thành, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô.
Đánh giá kết quả triển khai, 8/10 ha diện tích thực hiện mô hình được cấp chứng nhận hữu cơ Việt Nam, năng suất trung bình đạt 3,2 tấn/ ha, lợi nhuận thu về trên 167,8 đồng/ha, tăng 38,2 triệu đồng/ha so với vườn sản xuất đại trà.
Đắk Nông đã triển khai nhiều dự án, chương trình, giúp nâng cao giá trị cà phê. Cụ thể như: Dự án SACCR; Dự án VnSAT; Mô hình trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê; Mô hình tái canh cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; Chương trình phối hợp với Tổ chức Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP)… giúp nâng cao chuỗi ngành hàng cà phê Đắk Nông.
Gia đình ông Đặng Văn Dũng ở xã Tân Thành, huyện Krông Nô có 5ha cà phê kinh doanh. Niên vụ cà phê 2023, ông thu được khoảng 20 tấn cà phê nhân. Ông Dũng cho biết: “Tham gia mô hình, người dân thay đổi phương pháp canh tác, hướng đến sản xuất cà phê bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống”.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật – Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: “Dự án bước đầu góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến một nền nông nghiệp tốt, sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân”.
Hay như Chương trình tái canh cà phê bền vững thuộc Dự án VnSAT. Hiện nay, cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất trung bình khi bước vào giai đoạn kinh doanh ổn định đạt từ 4-5 tấn/ha. Mô hình giúp người dân có nhu cầu tái canh cà phê học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển ngành hàng cà phê bền vững tại tỉnh Đắk Nông.
Còn Mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên cây cà phê, triển khai tại huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, quy mô 14ha với 16 hộ tham gia. Mục tiêu mô hình giúp người dân tiết kiệm lượng nước tưới, phân bón, nhân công, nhiên liệu, làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo phương pháp truyền thống.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT, ngoài tạo sinh kế từ cây cà phê cho người dân, các dự án, chương trình còn chú trọng nâng cao năng lực, đào tạo kỹ năng về kỹ thuật sản xuất, quản lý cơ sở, thị trường cho nông hộ. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông cơ sở, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại về quản trị cơ sở, sản xuất, kinh doanh, kiến thức thị trường, thương mại và thương hiệu.
Hiện Đắk Nông có khoảng 142.059 ha, sản lượng 360.027 tấn. Cà phê được trồng hầu hết các huyện như: Krông Nô 24.594 ha, Đắk Song 23.978 ha, Đắk Mil 21.311 ha, Tuy Đức 20.718 ha, Đắk R’Lấp 21.017 ha, Đắk G’long 17.494 ha.
Nguồn: Thông tin về ngành hàng cà phê của Sở Nông nghiệp – PTNT
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-nang-gia-tri-ca-phe-qua-cac-du-an-235769.html