Khó khăn nhiều mặt
Tại huyện Đắk R’lấp, giai đoạn 2022-2024, kế hoạch vốn bố trí đối ứng cho xây dựng NTM là 65,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện mới bố trí được 44,3 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2024, huyện mới bố trí được gần 4,9 tỷ đồng/22,4 tỷ đồng.
Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Võ Thị Kiều Linh cho rằng, giai đoạn này, huyện đang tập trung thực hiện các tiêu chí mới NTM ở cấp độ cao hơn, cấp thiết hơn.
Huyện còn phải tính toán, cân nhắc dành nguồn lực đầu tư đúng mức cho việc nâng cấp, duy tu, sửa chữa các hạng mục hạ tầng ở các xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước.
“Các tiêu chí NTM nâng cao cần nhiều nguồn lực huy động. Trong khi, người dân, doanh nghiệp đang gặp khó. Nguồn thu ngân sách hạn hẹp, nên ảnh hưởng đến việc huy động để bố trí vốn đối ứng”, bà Linh cho biết.
Cũng theo bà Linh, mặc dù gặp khó, nhưng không phải vì thế mà địa phương lơ là trong xây dựng NTM. Huyện đang tập trung khai thác nhiều nguồn lực hơn nữa để phấn đấu đến năm 2025 về đích NTM nâng cao.
Tại Đắk Glong, việc bố trí vốn đối ứng trong NTM gặp khó khăn. Theo lãnh đạo địa phương này, hầu hết các xã đều thuộc diện khó khăn, địa bàn rộng, đời sống người dân còn nghèo.
Hàng năm, nguồn lực Trung ương, tỉnh bố trí cho huyện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu NTM. Trong khi, việc huy động vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa còn nhiều hạn chế.
Cũng vì lý do này, giai đoạn 2022-2024, huyện Đắk Glong mới bố trí được 12 tỷ đồng/16,7 tỷ đồng kế hoạch vốn đối ứng phục vụ xây dựng NTM.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2022-2024, tổng kế hoạch vốn đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Đắk Nông trên 427 tỷ đồng.
Tính đến ngày 5/6/2024, toàn tỉnh mới bố trí 376 tỷ đồng, đạt 88,2%. Trong số này, nguồn vốn bố trí đối ứng cấp tỉnh hoàn thành 100%. Riêng nguồn vốn đối ứng cấp huyện mới đạt 85,3%.
Linh hoạt các nguồn vốn
Giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ xây dựng NTM ở Đắk Nông khá nặng nề. Bởi vì, giai đoạn này, tỉnh tập trung thực hiện các tiêu chí mới ở cấp độ cao hơn.
Chưa kể, hầu hết các xã còn lại trong lộ trình xây dựng NTM giai đoạn mới đều khó khăn. Điều này đòi hỏi Đắk Nông phải có sự tập trung rất lớn, rất quyết liệt.
Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Ngọc Lũy cho , những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cơ bản không còn bị vướng về cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân vẫn còn chậm. Nguyên nhân một phần tỉnh phải cân đối bố trí vốn địa phương rất lớn. Giai đoạn 2022-2024, tỉnh vẫn còn hơn 97 tỷ đồng nguồn vốn đối ứng cho chương trình NTM chưa thể bố trí được.
Theo quy định, hàng năm, ngân sách địa phương sẽ đối ứng tối thiểu bằng tổng vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng NTM theo tỷ lệ tối thiểu 1-1. Trong đó, ngân sách tỉnh bảo đảm tối đa 50%. Còn lại là ngân sách cấp huyện, cấp xã.
Cũng theo ông Lũy, quy định đối ứng là 1-1, nhưng lâu nay, tỉnh vẫn khá linh động trong thực hiện nhiệm vụ này. Đối với một số huyện tiềm lực kinh tế khá đều tuân thủ theo nguyên tắc này.
“Riêng những huyện khó khăn hơn, tỉnh sẽ hỗ trợ bổ sung nguồn vốn để giảm bớt áp lực về ngân sách cho địa phương đó. Có những huyện chỉ đáp ứng được 0,8% hoặc 0,9% tùy theo điều kiện từng vùng”, ông Lũy cho hay.
Để hoàn thành chỉ tiêu trong NTM giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông yêu cầu các huyện, thành phố đẩy mạnh huy động lồng ghép tất cả các nguồn lực.
Hàng năm, các địa phương tăng thêm nguồn thu để bổ sung vào nguồn vốn đối ứng xây dựng NTM. Các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục gia tăng các biện pháp thiết thực, huy động hiệu quả nguồn lực để không ngừng nâng cao kết quả xây dựng NTM.