Theo tính toán của Tổng Cục Thống kê, khi vốn đầu tư tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng 0,06 điểm phần trăm. Do đó, đầu tư công được xem là mấu chốt để tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư công là yếu tố quyết định đến nhiều ngành, lĩnh vực như: xây dựng, dịch vụ. Đầu tư công đạt cao sẽ kéo theo các lĩnh vực này, từ đó, tăng trưởng kinh tế đạt cao.
Thực tế, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dịch vụ tăng trưởng ổn định, ít có sự đột phá. Tăng trưởng GRDP mỗi năm cao hay thấp thường tuỳ thuộc vào các dự án công nghiệp, xây dựng. Năm nào mà lĩnh vực này đóng góp nhiều tăng trưởng sẽ cao.
Rút kinh nghiệm năm 2023, sang năm 2024, Đắk Nông đẩy mạnh thực hiện các dự án. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt sẽ tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn”. Các dự án lớn trên địa bàn từng bước được triển khai sẽ đóng góp GRDP cao hơn.
Trong đó, những dự án vướng bô xít, quy hoạch 3 loại rừng sẽ được tháo gỡ. Các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần vào cuộc, đẩy mạnh tiến độ ngay từ ban đầu.
Kế hoạch tăng trưởng 6,55%, trong khi tình hình kinh tế dự báo còn gặp nhiều khó khăn, Đắk Nông không phải dễ dàng thực hiện được. Do vậy, để thực hiện thành công kịch bản này, đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Đắk Nông cần đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây phân tán dịp đầu năm. Công tác quản lý chất lượng con giống phục vụ sản xuất, thúc đẩy sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp cần được chú trọng.
Ở lĩnh vực thu hút đầu tư, tỉnh cần đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Trên cơ sở này, tỉnh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng tỷ trọng công nghiệp. Dựa trên tiềm năng, lợi thế thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, ký kết các dự án tại Đắk Nông.
Thực tế, trong năm qua, một trong những nguyên nhân làm GRDP đạt thấp là do giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp đạt thấp. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nguyên liệu, thị trường diễn biến phức tạp. Đây là yếu tố dẫn đến giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ, du lịch chưa có sự đột phá.
Năm 2024, ngoài thúc đẩy vốn đầu tư công, Đắk Nông sẽ ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh sẽ chú trọng tổ chức nhiều hội nghị tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhiều giải pháp như: giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… sẽ được tỉnh đốc thúc các ngành chức năng thực hiện kịp thời.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,55%, tỉnh sẽ đồng bộ, chủ động thực hiện từ đầu năm. Khi chính sách hỗ trợ được thực hiện sẽ là nền tảng rất tốt giúp khôi phục lòng tin của thị trường, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Từ đây, tăng tốc sự đóng góp vào GRDP của lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.
Sản phẩm nông sản của DNTN Toàn Hằng chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu, còn nội địa vẫn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, năm 2024, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển hướng tới nhiều hơn thị trường trong nước.
Năm 2023, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và đang từng bước cho thấy hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2024, thị trường xuất khẩu dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu của thị trường vẫn chưa tăng. Khả năng phục hồi phải từ giữa năm 2024 trở đi.
Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng, trong năm 2024, lĩnh vực chế biến nông sản sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều chính sách hỗ trợ tích cực để phát triển. Việc của doanh nghiệp chính là nắm bắt tốt cơ hội để phát triển thị trường trong nước. Tất nhiên để chính sách đến rộng hơn với doanh nghiệp, tôi đề xuất cần phân nhóm doanh nghiệp để có từng chính sách cụ thể, phù hợp hơn.
Năm 2023, Đắk Nông được kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 6,8 tỷ đồng để thực hiện 13 đề án. Phải khẳng định rằng, qua hoạt động khuyến công, các cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mặc dù kinh phí hỗ trợ khuyến công chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhưng đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có được định hướng đầu tư đúng, hiệu quả.
Thông qua các chương trình sẽ huy động thêm nhiều nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Từ đó giúp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp sức cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Để cộng đồng doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, Đắk Glong tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, có chính sách thu hút các nhà đầu tư vào địa phương.
Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã có những bước phát triển mới cả về quy mô, lĩnh vực hoạt động phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Xác định vai trò của doanh nghiệp là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận kinh tế, địa phương luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp lớn mạnh cả về số lượng, quy mô.
Cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư, huyện sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm, không tuân thủ pháp luật. Qua đó giúp tạo lập môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch kinh tế cho doanh nghiệp.
Nội dung: Nguyễn Lương – Lê Dung (bài viết có sử dụng một số hình tư liệu)
Trình bày: T.D – N.H