Còn những khó khăn
Trong năm 2024, kế hoạch thu sử dụng đất tại Đắk Nông là 850 tỷ đồng. Nguồn thu sử dụng đất chiếm gần 26% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Thực tế, thời gian qua, quá trình thực hiện thu từ lĩnh vực đất đai gặp nhiều khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong số đó phải kể đến một số dự án đầu tư có sử dụng đất chậm triển khai. Việc xử lý quỹ đất công, cơ sở nhà, đất dôi dư thuộc nhiều dự án còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng nhiều khu vực tái định cư chưa hoàn thiện nên hộ gia đình, cá nhân chưa sẵn sàng nhận tái định cư.
Một số trường hợp gia đình, cá nhân chậm nộp tiền sử dụng đất để Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được công nhận kết quả bốc thăm tái định cư. Một số nơi vướng quy hoạch chồng chéo, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến thu từ đất gặp khó là các địa phương còn khá lúng túng trong thực hiện giá đất cụ thể. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng cho rằng, thời gian qua, huyện gặp khó khi triển khai. Thực tế, việc phân quyền quyết định giá đất cho UBND cấp huyện theo Nghị quyết số 73/NQ-CP của Chính phủ về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể được đánh giá sẽ rút ngắn thời gian định giá đất. Đây là cách làm rất mới, nhưng các huyện còn khá lúng túng hoặc thiếu nhân lực triển khai.
Công tác định giá đất tại cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Từ thẩm quyền, trình tự đến thủ tục còn lúng túng, dẫn đến việc định giá đất rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư. “Quy định từ luật, nghị định, thông tư hướng dẫn hiện đang chưa đồng bộ, phân cấp cho các huyện. Các đơn vị cấp huyện về mặt chuyên môn, năng lực không bằng cấp tỉnh lại càng gây khó khăn”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Nói về khó khăn trong xác định giá đất, Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương cho rằng, khi có quy định, địa phương cho cán bộ đi tập huấn, tuy nhiên trong thực tế áp dụng còn gặp khó khăn rất nhiều.
Đẩy mạnh thu ngay từ đầu năm
Trước những khó khăn này, trong lúc đợi Trung ương, tỉnh tháo gỡ, nhiều địa phương đã chủ động giải pháp thu. Tại Gia Nghĩa, rút kinh nghiệm năm 2023, địa phương đẩy mạnh nguồn thu từ đầu năm.
Theo Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương, trước mắt, địa phương tích cực vận động người dân các xã, phường tích cực chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Để làm tốt điều này, thành phố tăng cường phối hợp với chi cục thuế khu vực, bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai… tích cực hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi.
Đối với hoạt động đấu giá, địa phương tập trung đấu giá những lô đất công, cơ sở nhà, đất dôi dư. Trước mắt, Gia Nghĩa tập trung vào những trường hợp nhà, đất giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, mà không thuộc trường hợp phải sắp xếp, xử lý lại theo quy định.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng đất do các đơn vị thực hiện, thành phố đẩy mạnh phối hợp để sớm hoàn thành các dự án cho thuê. “Riêng những dự án tỉnh giao, nhưng đang vướng mặt bằng, chúng tôi chỉ đạo các xã, phường vận động người dân bàn giao mặt bằng, bảo đảm tiến độ các dự án”, ông Sương cho biết.
Tại Đắk R’lấp, để thu sử dụng đất đạt cao, địa phương đẩy mạnh nhiều giải pháp. Trong đó, huyện tích cực vận động người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang được địa phương thực hiện rất tốt.
“Số diện tích đất có nhu cầu chuyển đổi rất lớn. Chúng tôi đi từng nhà vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi. Những trường hợp nào gặp khó khăn, địa phương nắm bắt kịp thời để có hướng tháo gỡ”, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Nguyễn Quang Tứ thông tin.
Thực tế, nguồn thu sử dụng đất chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu ngân sách. Đây cũng là nguồn cơ bản để Đắk Nông bổ sung vào chi cho đầu tư phát triển. Do vậy, việc gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tăng thu được tỉnh quan tâm.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế- xã hội năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh, năm 2024, nếu các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, Đắk Nông sẽ tập trung triển khai nhiều dự án lớn. Để góp phần vào thực hiện các dự án này, nguồn ngân sách chi ra phục vụ rất lớn. Trong đó, nguồn sử dụng đất đóng vai trò chủ lực.
“Ngay từ bây giờ, những địa phương nào vướng ở đâu, định hướng và đề xuất giải pháp gì phải nêu rõ. UBND tỉnh sẽ chủ trì họp thường xuyên, vào cuộc với các sở, ngành để tháo gỡ linh hoạt”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên yêu cầu.
Đối với những trường hợp tái định cư, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động. Khi đã làm đủ các quy định, trường hợp nào không chấp hành, các địa phương mạnh dạn cưỡng chế.
Về phía Trung tâm Phát triển quỹ đất phải đẩy mạnh đấu giá các khu đất đã hoàn thành thủ tục. Đối với những lô đất công còn vướng cơ chế, thủ tục, các sở, ngành, đơn vị phối hợp nhịp nhàng tháo gỡ.