Tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Đắk Nông vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh nhấn mạnh, việc đầu tư, khai thác bô xít tại Đắk Nông trải qua rất nhiều khó khăn và giờ đã vượt qua.
Đến nay, dự án đã được Bộ Chính trị đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, xã hội chung. Đắk Nông kỳ vọng, thời gian tới, nếu các dự án được thuận lợi triển khai sẽ là cơ sở cho tỉnh tự cân đối nguồn ngân sách hàng năm.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Đắk Nông muốn đột phá phát triển chỉ có bô xít. Vì vậy, tỉnh sẽ phối hợp lấy ý kiến các bên liên quan, để cùng ngồi lại bàn bạc; từ đó, thống nhất để xây dựng cơ chế đặc thù cho việc phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm tại Đắk Nông.
Cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, Đắk Nông luôn sẵn sàng đồng hành với các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi đến và ở lại đầu tư, cùng địa phương khai thác thế mạnh về bô xít.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông vào tháng 8/2023, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, đơn vị hiện đang có nguồn vốn lớn dành cho khoa học công nghệ.
Thời gian tới, Ủy ban sẽ cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Đắk Nông nghiên cứu quy hoạch tổng thể về khoáng sản trên địa bàn để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ bô xít.
Đồng chí mong muốn sẽ cùng với Đắk Nông sử dụng quỹ đất sạch sau khi khai thác quặng. Từ đó giúp Đắk Nông tận dụng, phát triển thêm các sản phẩm hàng hóa về nông nghiệp công nghệ cao.
Ủy ban sẽ hỗ trợ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam khai thác những tiềm năng hiện có để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm. Trong đó sẽ hỗ trợ nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ hoặc xây dựng một vài nhà máy ngay tại hạ tầng của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV. Sau khi các bên phối hợp, thống nhất phương án sẽ cùng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tổng thể chiến lược đầu tư tại Đắk Nông.
Nền kinh tế của Đắk Nông còn nhiều hạn chế. Tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình. Tuy nhiên, với tiềm năng, lợi thế hiện tại, có thể khẳng định rằng, dư địa trong phát triển của tỉnh Đắk Nông còn rất lớn. Trong đó, phải kể đến lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, đặc biệt công nghiệp chế biến quặng bô xít.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Tây Nguyên. Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia và là trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.
Với mục tiêu này, Đắk Nông đã xác định 3 trụ cột chính trong phát triển kinh tế đó là phát triển công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch. “Chúng tôi đã xác định hoàn toàn đúng và trúng các lợi thế của địa phương. Trên cơ sở này, Đắk Nông bám sát trụ cột để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào từng lĩnh vực”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Những năm qua, Đắk Nông đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. UBND tỉnh Đắk Nông đã tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, phối hợp giữa các đơn vị trong việc giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số để giải quyết thủ tục hành chính.
Về công tác hỗ trợ nhà đầu tư, Đắk Nông đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang xây dựng, hoàn thiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư để điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế các chính sách không còn phù hợp.
Đắk Nông tích cực hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm, thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều nội dung, mức ưu đãi hấp dẫn sẽ được tỉnh triển khai dựa trên 3 trụ cột kinh tế của địa phương.
Đắk Nông có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, mang tính đặc thù. Các tiềm năng, lợi thế để phát triển rất lớn. Tỉnh cần nhận diện được thực tế này để phát huy.
Theo Phó GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lợi thế phát triển của Đắk Nông dù rất đặc sắc, to lớn, nhưng cơ bản đang ở lợi thế tiềm năng. Nghĩa là những thứ đó mới để chúng ta khen, chúng ta ngắm, chứ chưa biến thành lợi thế phát triển thực sự. “Lợi thế so sánh của Đắk Nông rất tuyệt vời, nhưng chưa biến thành lợi thế cạnh tranh nên chưa thể phát huy được. Đây chính là thách thức của Đắk Nông”, Phó GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định.
Muốn làm được điều này, Đắk Nông cần khắc phục hạn chế trong thể chế, hệ thống quản trị. Đắk Nông cần đặt đầu tư công và vai trò của Chính phủ vào vai trò, vị trí tạo tiền đề, nền tảng cho sự bứt phá của tỉnh. Đây là yếu tố giải quyết nút thắt về cơ sở hạ tầng, từ đó, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Địa phương nên tập trung phát triển lực lượng kinh tế tư nhân, trụ cột là khu vực doanh nghiệp. Tỉnh cần nâng cấp năng lực quản trị điều hành của chính quyền địa phương.
Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng còn hạn chế về hạ tầng giao thông. Hiện nay, giao thông vẫn là yêu cầu cấp bách mang tính đột phá. Vì thế, trước mắt, tỉnh cần kết nối tốt hạ tầng giao thông với các tỉnh lân cận và khu vực.
Hiện nay, ngoài Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), Đắk Nông đã xin Chính phủ cho mở sân bay. Tuy nhiên, tỉnh mới dừng lại ở sân bay cấp 3C, với đường băng từ 1.200 đến 1.800m. Xét về tương lai, đường băng này chưa thể đáp ứng nhu cầu khách du lịch, các nhà đầu tư.
“Nếu khó khăn về cơ chế, trước mắt, địa phương cứ đầu tư sân bay 3C. Tuy nhiên, về đường lâu dài, Đắk Nông phải xin chủ trương nâng cấp, mở rộng lên 4C”, GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông bày tỏ quan điểm.
Theo GS.TS Trình Quang Phú, khi các dự án giao thông hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong phát triển kinh tế. Vấn đề nội vùng, liên vùng sẽ được giải quyết nhẹ nhàng hơn. Từ đây, sự giao thoa trong phát triển kinh tế, xã hội được mở rộng, tạo điều kiện cho Đắk Nông phát triển.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình cùng với khát vọng làm giàu chính đáng, đội ngũ doanh nhân Đắk Nông luôn phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Nông cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp của Đắk Nông chủ yếu hoạt động ở quy mô nhỏ. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo của mình, cộng đồng doanh nghiệp đã có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của địa phương. Nhờ đó đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng về công nghiệp – thương mại – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng về nông – lâm nghiệp.
Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào quỹ xóa đói giảm nghèo… Có thể nói, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là một trong những “lực đẩy” quan trọng, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển.
Đồng hành cùng Đắk Nông phát triển, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp sẽ xây dựng, gìn giữ văn hóa, đạo đức kinh doanh, đóng góp tích cực vì cộng đồng. Đồng thời, phát huy những mô hình hay, cách làm sáng tạo, để tạo nên sức mạnh, trí tuệ tập thể, đưa doanh nghiệp Đắk Nông không ngừng lớn mạnh.
Nội dung: P.V thực hiện
Trình bày: Huy – Hiền