Theo Sở NN – PTNT, Đắk Nông hiện có 17.500 ha mặt nước các sông, suối và hồ chứa. Trong đó, diện tích mặt nước các thủy điện như: Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Đồng Nai 3… có khoảng 5.500 ha.
Trên địa bàn tỉnh còn có 262 hồ chứa thủy lợi, với khoảng 3.500 ha; các ao nuôi hộ gia đình khoảng 640 ha. Năm 2022, diện tích nuôi thủy sản của Đắk Nông đạt 1.950 ha và khoảng 1.200 lồng nuôi, với sản lượng đạt 7.310 tấn.
Nghề nuôi thủy sản ở Đắk Nông chủ yếu tập trung vào 3 loại hình: nuôi ao hồ nhỏ; nuôi hồ chứa; nuôi lồng bè trên hồ chứa, trên sông. Các loại thủy sản được nuôi chủ yếu là cá truyền thống như: trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, cá lóc, cá chép, cá trê, cá mè…
Ngoài ra, một số loài cá đặc sản nước ngọt như cá lăng, cá thát lát, bống tượng… cũng được nhiều hộ gia đình nuôi tập trung, thâm canh với số lượng lớn.
Gia đình bà B’rê, ở xã Đắk R’tih (Tuy Đức) có gần 2 sào ao cá. Ao nuôi cá còn được gia đình sử dụng vào mục đích lấy nước tưới cho rẫy cà phê.
Bà B’rê cho biết, trước đây, do chưa có kỹ thuật, nên bà chủ yếu sử dụng ao để lấy nước tưới cho cây cà phê. Nuôi cá chủ yếu là kết hợp, cải thiện bữa ăn hàng ngày chứ không nghĩ đến việc tăng thu nhập.
Những năm gần đây, khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá diêu hồng, rô phi thâm canh tại hộ gia đình, bà đã mạnh dạn cải tạo ao, đầu tư nuôi cá số lượng lớn.
Bà cũng kết hợp nuôi thêm heo, gà để hình thành mô hình vườn – ao – chuồng. Cách làm này đã giúp gia đình bà gia tăng thu nhập đáng kể.
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Minh Đức, thôn Bình Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) tận dụng mặt nước sông Krông Nô để nuôi 30 lồng cá các loại.
Ông Đức cho hay, sông Krông Nô có diện tích mặt nước rộng, lưu lượng phù hợp để phát triển nghề nuôi thủy sản. Do đó, gia đình đã tập trung khai thác lợi thế này để tăng thu nhập.
Ông Đức chia sẻ: “Năm nay, nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng cá của gia đình có thể đạt trên 100 tấn. Với giá bán từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, lợi thuận của gia đình có thể đạt hàng trăm triệu đồng”.
Theo Sở NN-PTNT, nghề nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng trong quá trình sản xuất, người dân vẫn thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai, đầu ra không ổn định.
Do đó, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng chiến lược phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo đảm môi trường sinh thái. Tỉnh thúc đẩy các loại hình nuôi thủy sản phù hợp trên các các vùng sinh thái, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục khảo sát các vùng có diện tích ao, hồ tập trung; các thủy vực có điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển thủy sản. Từ đó, tỉnh tiến hành khoanh vùng, định hướng xây dựng các vùng nuôi thủy sản công nghệ cao nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Cũng theo Sở NN – PTNT, việc phát triển thủy sản trên các hồ chứa, các thủy vực nội đồng, lồng bè tại các sông, hồ lớn có điều kiện phù hợp đang được ngành Thủy sản chú trọng.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông hộ nuôi các loài thủy sản truyền thống, đặc sản có giá trị kinh tế cao, nhằm tạo sinh kế, góp phần xoá đói, giảm nghèo, cung cấp thực phẩm cho người dân.