Vào thời điểm này, hầu hết các hộ trồng cà phê trong tỉnh đã tiến hành chăm sóc, xử lý nấm bệnh cho vườn cà phê sau thu hoạch. Nếu thời tiết bình thường, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng tư năm sau. Đây cũng là giai đoạn cây cà phê ra hoa, đậu quả và nuôi quả non.
Năm nay, việc thu hoạch cà phê tại các nông hộ kết thúc sớm hơn mọi năm từ 15 – 20 ngày. Do vậy, khi vừa thu hái xong, bà con tiến hành ngay công đoạn vệ sinh vườn cây, khử trùng đất, loại bỏ nấm bệnh cũng như cắt cành, tạo tán, bón phân để phục hồi vườn cây sau một năm nuôi trái, cây suy kiệt nhiều.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) canh tác hơn 2ha cà phê. Trong những ngày qua, sau khi kết thúc thu hoạch, ông Thành tập trung cắt tỉa cành, dọn sạch lá, trái khô, khử trùng đất để cắt nguồn lây lan của nấm bệnh trong vườn.
Ông Thành cho biết: “Sau thu hoạch, cây cà phê thường mất sức do đã trải qua một quá trình dài nuôi dưỡng trái và cành. Vì vậy, việc chăm sóc cây cà phê thời điểm này là yếu tố quyết định đến năng suất cà phê sau này”.
Theo ông Thành, việc cắt cành kịp thời sẽ giúp cây nhanh phục hồi, dồn dinh dưỡng nuôi những cành hiệu quả, qua đó, giúp cây phát triển tán cân đối, thông thoáng, cây ra hoa, đậu trái đồng đều hơn.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Quý ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có gần 6ha cà phê giai đoạn kinh doanh. Cũng như mọi năm, sau khi thu hoạch xong, ông Quý tiến hành vệ sinh vườn cây, cắt cành tạo tán, giúp cây cà phê quang hợp tốt hơn và hạn chế được một số loại nấm bệnh.
Ông Quý cho hay: “Sau một năm nuôi trái, cây cà phê cần được cung cấp đủ dinh dưỡng để bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa, nở hoa và nuôi trái non. Do đó, tôi đã cân đối lượng phân với hàm lượng vừa đủ để bón cho cây”.
Cũng như ông Quý, những năm qua, nhiều hộ trồng cà phê ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Qua đó, các hộ trồng cà phê cơ bản hiểu được nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê đầu mùa khô.
Nhờ đó, nhiều hộ đã áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, RA, GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ… để nâng cao hiệu quả, chất lượng cà phê.
“Đa số người dân thực hành đúng nguyên tắc bón phân, lượng phân sử dụng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất như: đạm, lân, kali và các nguyên tố trung vi lượng canxi, magie, lưu huỳnh để cây phát triển khỏe mạnh, thúc đẩy phân hóa mầm hoa, đậu quả nhiều hơn, cây có sức kháng bệnh tốt hơn”, ông Quý cho biết thêm.
Lãnh đạo Sở NN – PTNT cho biết, giai đoạn chăm sóc phục hồi cho cà phê rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới năng suất, chất lượng sản phẩm vụ sau.
Sau khi thu hoạch xong cà phê, nông dân cần chủ động thăm vườn, áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng thời điểm, khoa học, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai với men vi sinh để kích thích rễ cây phát triển, giúp cây sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao, cải thiện chất lượng đất.
Đồng thời, bà con áp dụng các biện pháp siết nước cho cây cà phê sau thu hoạch để cây phân hóa mầm hoa hiệu quả. Bên cạnh đó, các nông hộ cần chú trọng phát triển mô hình cà phê cảnh quan như trồng xen cây ăn trái, đai rừng trong vườn để tạo bóng mát, giảm bốc hơi nước, điều hòa sinh thái vườn, hướng đến phát triển bền vững.
Theo Sở NN – PTNT Đắk Nông, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 143.000 ha cà phê, trong đó 131.000 ha cà phê giai đoạn kinh doanh, năng suất trung bình trên 2,6 tấn/ha.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-hoi-phuc-131-000ha-ca-phe-sau-thu-hoach-237748.html