Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng yên, thời gian qua, Đắk Nông đã nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương. Tỉnh Đắk Nông đã được đầu tư nhiều công trình hồ đập lớn như: Công trình thủy lợi Đắk Rồ, hồ Nam Xuân…
Các công trình đã phát huy được hiệu quả, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đắk Nông sẽ chú trọng vào việc kêu gọi, đề xuất Trung ương đầu tư các công trình thủy lợi lớn, có ý nghĩa quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đắk Nông sẽ tận dụng, sử dụng tốt các nguồn vốn Trung ương, vốn các chương trình, dự án như xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển, phòng chống thiên tai.
Tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá xác định trọng điểm, chuẩn bị ứng phó với thiên tai, sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đập, hồ chứa. Đắk Nông sử dụng hiệu quả vốn của Trung ương khắc phục hậu quả các công trình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Phương châm của địa phương lấy phòng là chính, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất sự an toàn tính mạng cho người dân.
Trên cơ sở đó, tỉnh đánh giá sát, đúng diễn biến thiên tai, dựa trên các cảnh báo, dự báo của cơ quan chức năng, tham vấn ý kiến của các chuyên gia xây dựng kịch bản tổng thể ứng phó với thiên tai một cách bàn bản, khoa học.
Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Tuấn Anh cho biết, Đắk Nông đã thực hiện nhiều giải pháp công trình như: xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa… các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp phi công trình để ứng phó với thiên tai.
Việc tuyên truyền để người dân nắm bắt và ứng phó với thiên tai là giải pháp rất quan trọng. Khi người dân chủ động ứng phó với thiên tai sẽ bảo đảm được an toàn tính mạng cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Giải pháp tiếp theo là chủ động quản lý, điều tiết và sử dụng nguồn nước. Thông qua việc đánh giá cụ thể nguồn nước các sông, suối, hồ, đập… ngành Nông nghiệp xây dựng lịch thời vụ phù hợp và hướng dẫn người dân sản xuất theo kế hoạch để sử dụng nước hợp lý, hiệu quả.
Việc điều tiết nguồn nước được thực hiện trên tinh thần ưu tiên cho dân sinh, chăn nuôi, giá trị kinh tế cao.
Một giải pháp khác là việc rà soát, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ bị hạn và ngập lụt. Căn cứ vào đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương xây dựng phương án, kịch bản sản xuất với các loại cây trồng phù hợp.
Hiện ngành Nông nghiệp đang tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi chúng ta cùng chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi giống cây trồng, sử dụng nước tiết kiệm, không gieo trồng ở nơi có nguy cơ hạn hán, ngập úng… thì sẽ hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Nguyễn Thừa Anh, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông thông tin, đơn vị đang quản lý, khai thác và bảo vệ 252 công trình thủy lợi, trong đó có 209 hồ chứa.
Đa số công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu, chưa được kiên cố hoàn thiện và đồng bộ các hạng mục. Đập đất của nhiều công trình đã xuống cấp, bị xói lở, hư hỏng nghiêm trọng.
Trước mùa mưa bão năm 2024, công ty đã rà soát các công trình thủy lợi. Qua rà soát, đơn vị xác định có 95/252 công trình đã và đang xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn.
Công ty thường xuyên cắt cử lực lượng kiểm tra, dọn dẹp cây cối, cỏ rác trước vào ngưỡng xả tràn lũ. Đối với các vị trí xung yếu, sạt lở, công ty chủ động sửa chữa, duy tu.
Công ty chủ động kiểm tra, vận hành hiệu quả các trạm bơm, van điều tiết… trong cả mùa mưa và mùa khô.
Chúng tôi chủ động bảo trì, sửa chữa thường xuyên đối với các hạng mục có thể cân đối được kinh phí. Mới đây nhất, công ty đã đề xuất Sở NN-PTNT xem xét, đề nghị cấp trên cho chủ trương và bố trí kinh phí sửa chữa 26 công trình hư hỏng nặng, cần phải ưu tiên nâng cấp, sửa chữa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Đắk Mil là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra hạn hán. Tính từ năm 2013 tới nay, năm nào Đắk Mil cũng xảy ra hạn hán với phạm vi ngày càng rộng và thiệt hại ngày càng lớn.
Tại Đắk Mil có 42 hồ chứa và hầu hết được xây dựng từ lâu (thời gian khai thác khoảng 20 – 30 năm). Do bị bồi lắng nhiều, dung tích các hồ giảm đi đáng kể, không đáp ứng nhu cầu tưới nước cho cây trồng.
Địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng thiếu nước. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi, phòng chống hạn trên địa bàn.
Vào tháng 4/2024, UBND huyện Đắk Mil đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở NN-PTNT và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị hỗ trợ 165 tỷ đồng.
Trong số này, Đắk Mil đề xuất xây dựng 1 công trình thủy lợi và 1 công trình cấp nước sinh hoạt mới với tổng kinh phí khoảng 110 tỷ đồng.
Số tiền còn lại được sử dụng để nạo vét, nâng cấp 9 hồ chứa thủy lợi (50 tỷ đồng) và nâng cấp, sửa chữa các tuyến kênh mương (5 tỷ đồng).
Đây là những công trình có ý nghĩa quan trọng đối với Đắk Mil trong việc phòng, chống hạn cho cây trồng và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân. Chúng tôi rất mong được cấp trên xem xét, hỗ trợ kinh phí để huyện sớm triển khai các công trình này.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô phân tích, huyện nằm ở phía Đông Bắc của Đắk Nông. Ngành Nông nghiệp huyện chiếm tỷ trọng gần 50% trong cơ cấu kinh tế địa phương với tổng diện tích gieo trồng hàng năm ước đạt 62,5 ngàn ha.
Huyện có địa hình đồi núi cao và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Trên địa bàn có nhiều sông lớn, trong đó sông Krông Nô có nhiều nhà máy thủy điện đang hoạt động. Có điều kiện địa hình phức tạp, Krông Nô bị ảnh hưởng của nhiều hình thái thiên tai như: hạn hán, ngập lụt, giông lốc…
Giải pháp hàng đầu của địa phương trong những năm qua để ứng phó với thiên tai chính là chuyển đổi giống cây trồng. Ngành Nông nghiệp địa phương đã phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các loại giống ngắn ngày, phù hợp với thời tiết và nhu cầu nước tưới.
Cùng với đó là giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước. Phòng NN-PTNT đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng lịch điều tiết nước tưới trên cơ sở lịch thời vụ đã xây dựng.
Vào mùa khô, các đơn vị điều tiết nước nhịp nhàng để nguồn nước được sử dụng phù hợp, hiệu quả. Các đơn vị xây dựng kịch bản về tình huống thiên tai trong mùa lũ để sẵn sàng ứng phó với lũ lụt, sạt lở đất hoặc các sự cố công trình…
Việc chuyển đổi cây trồng đã giảm thiểu rất nhiều thiệt hại khi hạn hán, mưa lũ xảy ra. Việc vận hành, điều tiết nguồn nước phù hợp cũng góp phần không nhỏ trong việc phòng ngừa thiên tai.
Ông Lê Trung Kiên, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, công tác ứng phó với thiên tai trên địa bàn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Khi xảy ra sự cố, việc triển khai lực lượng tại chỗ để ứng phó, giúp đỡ người dân còn bị động và lúng túng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Công tác giáo dục, tuyên truyền về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại một số địa phương chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên. Nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn còn thiếu kỹ năng phòng, chống thiên tai và có biểu hiện lơ là, chủ quan.
Thời gian gần đây, thời tiết trên địa bàn có những biến động, thay đổi không theo quy luật và diễn biến cực đoan hơn.
Trước tình trạng đó, việc trang bị kiến thức cho người dân, cộng đồng để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai được xem là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng.
Hàng năm, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, diễn tập để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong cộng đồng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, kiến thức về ứng phó với thiên tai đã và đang được lồng ghép vào các chương trình đào tạo của nhà trường và các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thiên tai có thể đến bất kỳ lúc nào. Khi cộng đồng được trang bị kiến thức thì họ sẽ chủ động ứng phó với các tình huống. Đây là giải pháp để người dân tự bảo đảm được an toàn tính mạng cho mình, cho cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-hanh-dong-som-de-ung-pho-voi-thien-tai-225507.html