Điểm sáng ở Cư Jút
Tại huyện Cư Jút, những năm qua, địa phương chú trọng đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trình độ đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng) cho lao động nông thôn. Trong đó, lĩnh vực nghề nông nghiệp được người dân học nhiều.
Năm 2024, huyện Cư Jút có kế hoạch hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng cho 350 người nhưng thực hiện đạt 13 lớp với 455 người, vượt 30% chỉ tiêu so với kế hoạch.
Trong số 455 học viên học sơ cấp nghề có 280 người học về nghề nông nghiệp, 175 người học nghề về phi nông nghiệp.
Ông Cao Văn Lạc, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút chia sẻ, những năm gần đây, nhu cầu của người dân nông thôn học nghề có trình độ sơ cấp chuyển biến tích cực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, nhiều nông sản có giá cao nên người dân chọn học nghề lĩnh vực nông nghiệp. Một lớp nghề chỉ tiêu 35 người trong danh sách nhưng có những nghề về lĩnh vực nông nghiệp người dân tham gia học thính giảng tăng lên nhiều.
Ông Lạc cho biết, những năm qua nhiều người muốn học nghề về trồng và chăm sóc cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chăn nuôi thú y… Ngoài ra, người dân cũng có nhu cầu học những nghề mới mẻ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực tế, trung tâm mở lớp nghề trồng nấm và được người dân học tập hào hứng, áp dụng thực tiễn hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình.
“Phương pháp dạy của chúng tôi kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại vườn rẫy, chuồng trại giúp người học dễ hiểu, dễ thực hành. Sau khi kết thúc học nghề, học viên áp dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất, nâng cao thu nhập từ chính vườn rẫy, trang trại của gia đình mình”, ông Lạc đánh giá.
Đắk Nông là tỉnh có lợi thế phát triển nông nghiệp. Cơ cấu lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm số đông, tới 65% lao động của tỉnh.
“Huyện Cư Jút đã nắm bắt nhu cầu, lợi thế của địa phương để đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông nhấn mạnh.
Các địa phương khác cần khai thác lợi thế, “mảnh đất” màu mỡ về đào tạo nghề nông nghiệp.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông
Nhu cầu học nghề phi nông nghiệp tăng
Những năm qua, đào tạo nghề phi nông nghiệp tại huyện Đắk Mil tăng cao. Chỉ tính riêng 6 tháng của năm 2024, Trung tâm GDNN Đại Lợi đã tuyển sinh đào tạo nghề lái xe ô tô 3.629 học viên; tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho 2.816 học viên.
Trong đó, Trung tâm GDNN Đại Lợi đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 141 bộ đội xuất ngũ, 10 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đào tạo nghề cho lao động ở Đắk Mil thì nhiều lao động các nơi khác chọn đến Trung tâm GDNN Đại Lợi học lái xe.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông cho biết, qua các cuộc làm việc, UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những đóng góp của Trung tâm GDNN Đại Lợi đối với việc thực hiện mục tiêu GDNN của tỉnh nói riêng và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
UBND tỉnh đề nghị Trung tâm GDNN Đại Lợi tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyển sinh, đào tạo và tư vấn, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, bảo hiểm thất nghiệp được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề.
UBND huyện Đắk Mil phối hợp với các đơn vị nắm bắt thông tin các chiến sĩ công an, bộ đội xuất ngũ, người hưởng bảo hiểm thất nghiệp tạo điều kiện cho Trung tâm GDNN Đại Lợi tư vấn tuyển sinh, xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil cũng tăng cường mở các lớp đào tạo nghề. Trong đó năm 2024, trung tâm đào tạo 12 lớp nghề cho 420 học viên, đạt 100% kế hoạch.
Trong số 420 học viên, có 245 người học nghề lĩnh vực nông nghiệp, 175 người học nghề lĩnh vực phi nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil cho biết, những năm gần đây, chúng tôi đa dạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Nhu cầu lao động học nghề ở địa phương tăng, nhất là người dân tộc thiểu số. Nhiều người làm nông nghiệp muốn học đa dạng nghề, nhất là các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp.
“Mấy năm nay, người dân chọn học nghề về nấu ăn, may mặc, trang điểm tăng. Thực tế, nhu cầu về tuyển dụng lao động đối với các nghề phi nông nghiệp những năm gần đây tăng, thu nhập ổn định và người dân đã nắm bắt được xu hướng này”, ông Tuyến chia sẻ.
Tạo chuyển dịch cơ cấu lao động
Đắk Nông xác định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người lao động có việc làm bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống từ đó tạo chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Xác định tầm quan trọng của công tác này, tỉnh Đắk Nông đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông đánh giá: Những năm qua, huyện Đắk Mil và huyện Cư Jút luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Các địa phương khác, công tác đào tạo nghề càng ngày được chú trọng góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Đắk Nông chú trọng đào tạo nghề gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. GDNN của Đắk Nông thực sự tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Với sự đổi mới, đa dạng về đào tạo cho lao động nông thôn, GDNN của Đắk Nông từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh các kết quả đạt được, một số ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nhiều nơi còn thiếu, lạc hậu, thiếu giáo viên…
Đắk Nông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-doi-moi-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-235609.html