Công dân Đắk Nông thứ thiệt
Năm 2004 tỉnh Đắk Nông được tái lập. Năm 2005, ba mẹ tôi quyết định vào Đắk Nông lập nghiệp. Năm 2007, mẹ sinh tôi. Thỉnh thoảng mẹ hay nói vui: “Con là made in Đắk Nông, là công dân Đắk Nông thứ thiệt. Mẹ, ba ăn cơm nơi này, uống nước nơi này mấy năm, “gột rửa” hết “cát bụi thị thành” rồi mới sinh ra con”.
Tuổi thơ của tôi êm đềm trôi. Gia Nghĩa từ một thị trấn nghèo của một tỉnh nghèo, mỗi ngày đổi thay một chút, thoắt chợt đã hai mươi năm kể từ ngày tái lập. Trong ký ức của tôi, Gia Nghĩa quá đỗi đơn sơ với hình ảnh những con đường nhỏ rợp bóng hoa vàng. Cây cầu Đắk Nông nối đôi bờ suối ngày nối ngày chở biết bao bước chân, vòng xe.
Trong ký ức của tôi là những buổi chiều mẹ đón tôi sau khi tan học. Mẹ chở tôi chầm chậm vòng quanh Gia Nghĩa, cùng trò chuyện và ngắm nhìn phố nhỏ. Có lần mẹ dẫn tôi vào quán cà phê Melody ở gần Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Đắk Nông – với địa thế khá cao từ nơi đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Gia Nghĩa. Tôi vẫn nhớ những câu thơ mẹ đọc cho tôi nghe hôm đó về Gia Nghĩa:
Những con đường uốn quanh dốc núi
Tựa vân chỉ trong lòng bàn tay
Những ngôi nhà chụm quanh đồi thông reo mát lành
Những ngả đường như những cánh tay vươn về bốn hướng
Phố núi ngày đông hoa cúc quỳ rực lửa
Đam mê vàng giăng kín lối hoang sơ
Những căn nhà khuất sau vòm lá
Mải mê xanh
Mê mải một bình yên
Những con đường phố núi của tôi
Thân quen như bàn tay ta
Những đường vân chỉ
Của trời đất tạo ra
Của cha sinh, mẹ đẻ
Những con đường phố núi
Như vân chỉ bàn tay
Nắm chặt
Rồi mở xòe ra
Hơi ấm từ trái tim truyền về
Tựa nắng sớm đi qua ngực đất
Từ phố núi trập trùng mở đi mênh mông.
Ký ức của tôi về Gia Nghĩa là những bình yên một sớm mai thu về, mẹ dẫn tôi tản bộ bên những gốc thông già trên con đường vào khu Tỉnh ủy. Tôi rất thích hít thở không khí trong lành những buổi mai ấy. Thoang thoảng, mỗi cơn gió thổi qua, không gian lại tràn ngập hương thơm. Thứ hương thơm nồng toát ra từ lá, từ thân, từ những cục nhựa cây thông khiến lòng người chững lại. Hai mẹ con cùng đứng, nhắm mắt lại mà cảm nhận hương thơm trong nắng mai, gió chiều. Một cảm giác dịu dàng, thư thái bao phủ tâm hồn. Những tia nắng vàng đầu tiên hắt xuống, chiếu nghiêng qua những cây thông thẳng đứng tạo thành những vệt nắng đẹp như một cuốn phim. Một hình ảnh đẹp để tôi lưu giữ trong ký ức tuổi thơ của mình.
Đắk Nông luôn ở trong tim
Tối nhớ một lần vào mùa khô, gia đình tôi có việc lên Buôn Ma Thuột. Chuyến đi phải xuất phát từ rất sớm nhưng do một số trục trặc nên chuyến đi khá vất vả. Cả nhà tôi ai cũng mệt nhoài. Nhưng trên đường đi, gặp quãng đường hoa dã quỳ rực nở, hoa nhiều đến mức tôi cảm tưởng chiếc xe đang trôi giữa dòng suối hoa dã quỳ. Mênh mang, tha thiết, dịu dàng, thuần khiết vàng… những bông dã quỳ đang nối dài thành lớp lớp sóng hoa kiêu hãnh trong gió. Những mệt mỏi của quãng đường dài như tan biến trước ban mai tinh khiết của một ngày cuối năm.
Tôi tò mò và được nghe mẹ kể về sự tích của loài hoa: “Ngày xưa, nơi bon làng nọ có chàng K’lang yêu tha thiết nàng H’lim. Ngày ngày, chàng K’lang vào rừng săn bắt thú rừng, còn nàng khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng (vì theo tục lệ của bộ tộc nàng, con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Mỗi tối họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng trong buôn. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của họ cứ trôi đi.
Đến một ngày kia, chàng K’lang đi săn rồi không về nữa. H’lim lo lắng đi tìm K’lang, nàng cứ đi, đi mãi đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi rồi mà vẫn không thấy người yêu. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi, trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. Nàng giật mình rồi đi tiếp đến cuối nguồn nàng nhìn thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy chàng mặc cho bao nhiêu đau đớn vẫn quyết bảo vệ cho người yêu. Tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của gã La rin, con trai tộc trưởng Lasiêng, kẻ ngày đêm thương thầm trộm nhớ H’lim mà không được đáp lại tình cảm.
Từ đó, cứ mỗi độ tháng mười, nơi nàng H’lim và K’lang chết lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy. Loài hoa ấy chính là dã quỳ. Sắc vàng của dã quỳ luôn mê hoặc bất kỳ ai lạc bước ngang qua. Những triền hoa vàng miên man, uốn lượn trải vàng theo những vòng bánh xe như lưu luyến, níu giữ bước chân người. Cảm xúc yêu thương dâng trào trong lòng người trước miền hoa vàng rực rỡ. Từ sâu thẳm trái tim tôi ngày càng lớn dần một tình yêu dành cho đất, cho hoa, một nơi mà bố mẹ tôi đã chọn gắn bó, chọn làm quê hương thứ hai.
Theo thời gian, Gia Nghĩa đã là thành phố trẻ, những tòa nhà công vụ cao tầng khang trang đẹp đẽ được xây dựng. Trên con đường 23 tháng 3, những cây hoa Osaka vàng bé nhỏ ngày nào bây giờ đã sum suê, nở hoa vàng rực cả con đường. Sau những cơn gió cánh hoa rơi như những thảm hoa vàng nâng bước chân người qua. Cây cầu Đắk Nông nhỏ bé đã không còn, thay vào đó là cây cầu lớn, to đẹp. Đứng trên cầu có thể ngắm nhìn hồ Trung tâm. Từ đây cũng có thể ngắm nhìn quảng trường của thành phố với rất nhiều công năng khi hoàn thành.
Đời sống của mọi người cũng được nâng cao, TP. Gia Nghĩa bây giờ rất nhiều xe ô tô, những cửa hàng thời trang thương hiệu cao cấp cũng đã có mặt tại đây. Mọi dịch vụ đều phát triển phục vụ khá đầy đủ yêu cầu của đời sống. Từ một tỉnh nghèo Đắk Nông ở năm 2004, giờ Đắk Nông đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển.
Tôi luôn tin rằng với việc phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của các dân tộc; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà, Đắk Nông sẽ trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên, như tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2020 -2025.
Tôi đã là một học sinh cấp 3, chuẩn bị vào đại học, tôi mong muốn học xong sẽ quay về Đắk Nông sinh sống và làm việc. Nhưng dù đi đâu, ở đâu tôi cũng luôn nhớ mình là công dân Đắk Nông – miền đất ở cực Nam Tây Nguyên, nơi có không gian văn hóa cồng chiêng, kho sử thi đồ sộ của đồng bào các dân tộc M’nông, Ê đê… Gia Nghĩa, Đắk Nông luôn trong trái tim tôi, bởi đó chính là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Đó là nguồn cội.
ĐỖ ĐỨC MINH (Trường PTTH Chuyên Nguyễn Chí Thanh)