Phát triển chậm
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện diện tích sông suối và mặt nước được quy hoạch chuyên dùng của Đắk Nông là 14.779 ha. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản trên 1.658 ha và tổng diện tích mặt nước ao hồ là 1.000 ha. Trên địa bàn tỉnh còn có 262 hồ chứa thủy lợi, với khoảng 3.500 ha. Các ao nuôi hộ gia đình khoảng 640 ha.
Nghề nuôi thủy sản ở Đắk Nông chủ yếu tập trung vào 3 loại hình là nuôi ao hồ nhỏ, nuôi hồ chứa, nuôi lồng bè trên hồ chứa, trên sông. Các loại thủy sản được nuôi chủ yếu là cá truyền thống như: trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, cá lóc, cá chép, cá trê, cá mè, cá lăng…
Gia đình bà Đào Thị Thanh, ở thôn 1, xã Đắk Hoà (Đắk Song) có 6 sào ao nuôi cá. Mỗi vụ nuôi, bà Thanh thường thả trên 1 tạ cá giống. Trước đây, muốn mua cá giống, bà thanh phải lên đến xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Có khi cá giống đưa từ miền Tây lên, nên lượng cá hao hụt rất nhiều. Bà Thanh cho biết: “Những năm gần đây, trên địa bàn có Trạm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, nên tôi đã chủ động được nguồn giống cá để nuôi”
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, xã Đức Minh (Đắk Mil) cũng có hơn 3 sào ao nuôi cá. Theo ông Xuân, mặc dù diện tích ao hồ của gia đình rất thuận lợi, nhưng việc nuôi cá vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật huyện Đắk Mil, hiện toàn huyện có 43 công trình thủy lợi, với 38 hồ chứa. Tổng diện tích mặt nước khoảng 510 ha. Đến nay, diện tích nuôi thủy sản của huyện ước đạt 290 ha. Trong đó, một số hộ dân nuôi tự phát tại các hồ đập, với diện tích khoảng 121 ha, sản lượng cá thu hoạch 437 tấn/năm.
Trong những năm qua, nuôi thủy sản ở Đắk Mil phát triển tương đối chậm, quy mô nhỏ. Người dân chủ yếu tận dụng những diện tích ao, hồ sẵn có để nuôi thủy sản; chưa mạnh dạn đầu tư để tạo ra sản phẩm chủ lực.
Tập trung khơi dậy tiềm năng
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết, những năm qua, Trung tâm đã triển khai xây dựng 8 mô hình khuyến ngư, tổng quy mô 43,6 ha, với 388 hộ tham gia, năng suất đạt trung bình 15,9 tấn thủy sản/ha. Để mang lại hiệu quả cho người nuôi, đơn vị hướng dẫn các hộ cải tạo ao hồ trước khi thả con giống. Trung tâm còn tổ chức tập huấn, hội thảo tổng kết đánh giá kết quả triển khai mô hình.
Thời gian triển khai mô hình khoảng 6-7 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt trung bình 0,6 kg/con, với mật độ thả nuôi 3 con/m2, năng suất đạt được trên 15 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được trên 200 triệu đồng/ha.
Theo ông Đoàn Văn Đáp, Chi cục Phó Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, từ những mô hình có hiệu quả, người dân đã và đang phát triển nuôi một số loài cá truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, trên các sông, hồ chứa lớn, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi các loại cá có giá trị như: diêu hồng, cá lăng, cá lóc, cá thát lát… Đây là động lực và tiềm năng có thể phát triển nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Đắk Nông, giúp cải thiện thu nhập cho người dân. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông cũng sẽ đánh giá lại hiệu quả các mô hình nuôi cá.
Từ đó, Trung tâm lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế, đối tượng bản địa và một số đối tượng mới phù hợp với điều kiện của tỉnh để thực hiện mô hình và nhân rộng. “Nếu tận dụng tối đa lợi thế từ hồ chứa, sông để nuôi các loài thủy sản truyền thống, các loài cá và thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao sẽ giúp tạo sinh kế, góp phần xoá đói giảm nghèo và cung cấp thực phẩm cho người dân”, ông Đáp cho biết.