Theo TKV, các mỏ quặng bô xít của Đắk Nông thường có đặc điểm như: dạng kiểu bề mặt, chiều dày vỉa mỏng, diện tích phân bố rộng, trình tự khai thác, hoàn thổ theo hình thức cuốn chiếu với tốc độ nhanh (3-5 năm sẽ chuyển sang khu vực khai thác mới)… Điều này gây áp lực lớn lên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Hiện nay, các khu vực sau khai thác quặng bô xít tại mỏ Nhân Cơ đã và đang được đổ thải hoàn thổ và trồng cây keo theo Phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt.
Tuy nhiên, với thực trạng sử dụng đất trên, tỉnh phải dành phần lớn diện tích nằm ngoài các khu vực đã kết thúc khai thác quặng, để triển khai các dự án tái định canh, tái định cư. Từ đó làm giảm quỹ đất dành cho canh tác và cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Trong khi đó, hiện nay, việc triển khai các dự án tái định canh, tái định cư và các dự án phát triển kinh tế, xã hội rất khó khăn đối với tỉnh do chồng lấn với quy hoạch bô xít hoặc trong quá trình thi công công trình, dự án phát hiện có bô xít.
Mặt khác, chi phí bồi thường về đất và hỗ trợ nghề nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong đơn giá bồi thường, GPMB, với khoảng 50-75%. Điều này kéo theo đơn giá đền bù tăng rất nhanh trong thời gian qua. Cụ thể như: tại mỏ Nhân Cơ – Đắk Nông, giá đền bù tăng từ 1,46 tỷ đồng/ha vào năm 2017 lên khoảng 2,45 tỷ đồng/ha vào năm 2022.
Hiện nay, TKV không còn nhu cầu sử dụng đất nữa đối với những diện tích đã khai thác hết quặng, nhưng không thể trả được cho tỉnh. Nguyên nhân là vì các quy định liên quan đến chi trả và hạch toán tiền đền bù GPMB, quản lý và sử dụng đất theo thời hạn.
Trong thời gian tới, khi TKV đầu tư nâng công suất sản xuất alumin theo Quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất khai thác, hoàn thổ sẽ tăng lên rất lớn.
Trong đó, giai đoạn năm 2030 sẽ cần khoảng 220-280 ha đất/năm (sản xuất 2 triệu tấn alum/năm) và 660- 1.120 ha/năm vào giai đoạn 2031-2050 (sản xuất 6-8 triệu tấn alumin/năm).
Với diện tích lớn như trên, nếu không có giải pháp sử dụng đất phù hợp thì công tác bồi thường, GPMB sẽ rất vướng mắc. Đồng thời sẽ không thể huy động nguồn tài nguyên đất sạch để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh.
Để nâng cao giá trị sử dụng đất, TKV đang phối hợp với tỉnh lập phương án sử dụng đất sau khai thác bô xít. Theo đó, Tập đoàn sẽ bàn giao sớm diện tích đất đã khai thác cho địa phương để ưu tiên bố trí cho tái định canh, phục vụ cho các khu vực khai thác mỏ bô xít tiếp theo. Qua đó nhằm phát huy giá trị sử dụng đất nông nghiệp.
Một phần diện tích sẽ để bố trí tái định cư và một phần nữa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Với giải pháp này sẽ giúp gia tăng quỹ đất để bố trí tái định canh. Đồng thời, giảm chi phí bồi thường GPMB, do giảm chi phí bồi thường về đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp (dự kiến giảm khoảng 1 tỷ đồng/ha)…
Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp trên của TKV đang gặp nhiều khó khăn, do các quy định của pháp luật đất đai. Bởi hiện nay chưa có quy định cụ thể để sử dụng đất sau khai thác bô xít có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và mong muốn của người dân.
Các quy định và hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính đối với việc bàn giao sớm diện tích đất đã khai thác quặng cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội nhằm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại TKV cũng chưa có.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, những khó khăn, vướng mắc trên, Tập đoàn đã báo cáo Bộ TN&MT, Bộ Tài chính để hướng dẫn. Tuy nhiên, đến nay, TKV và địa phương vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể.
“TKV và tỉnh Đắk Nông sẽ có văn bản chung báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành xem xét có cơ chế đặc thù đối với khai thác bô xít nhằm ổn định trật tự xã hội và sử dụng đất có hiệu quả cho địa phương, doanh nghiệp trong thời gian tới”- Ông Hải cho biết.