Vốn chương trình mục tiêu quốc gia
Năm 2024, 17 hộ dân trên địa bàn xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) được hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho vườn sầu riêng.
Ông Đinh Quốc Cử, thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru có 1ha sầu riêng đang cho thu hoạch là người được hưởng lợi từ chương trình này. Ông Cử cho biết, những năm gần đây tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra ngày càng khốc liệt.
Ông Cử khẳng định, sầu riêng là cây trồng không yêu cầu quá nhiều nước so với cà phê nhưng cũng cần lượng nước đủ, đều. Mùa khô trùng vào thời kỳ cây ra hoa, đậu quả non, nếu thiếu nước, dinh dưỡng không cân đối khó đậu quả, dễ bị rụng quả non.
Do đó, việc đầu tư hệ thống tưới phun mưa có tác dụng lớn đối với gia đình trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Ru, những năm gần đây diện tích sầu riêng của xã tăng lên đáng kể, hiện đạt trên 500ha, trong đó khoảng 200ha kinh doanh. Sầu riêng tăng trong bối cảnh khô hạn đòi hỏi phải có các giải pháp kỹ thuật giúp phát triển an toàn.
Khi áp dụng công nghệ tưới sẽ tiết kiệm được 20-30% lượng nước tưới theo phương pháp truyền thống, giảm chi phí công lao động từ 70 – 80% và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người dân.
Sau khi kết thúc, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vốn chính sách
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, trong giai đoạn mùa khô hạn năm 2024, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phân phối nguồn vốn đến các đơn vị trực thuộc giải ngân cho các hộ dân vay khắc phục hậu quả hạn hán.
Đã có khoảng 4.000 hộ dân trong toàn tỉnh vay, với số tiền gần 200 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được bà con đưa vào phục vụ sản xuất như khoan giếng, mua sắm máy móc, nạo vét ao hồ.
Hoạt động này của Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giúp nhiều hộ gia đình khó khăn có cơ hội chủ động trong thích ứng với hạn hán.
Gia đình chị H Bund, buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có hơn 5 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Khô hạn năm 2024, gia đình chị có 3 sào cà phê giảm năng suất nghiêm trọng do thiếu nước tưới.
Số diện tích cây trồng còn lại cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, gia đình chị được vay 80 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Có nguồn vốn, chị mua thêm ống tưới, máy móc phục vụ nhu cầu về nguồn nước cho cây trồng.
Vốn doanh nghiệp, dự án
Theo ông Nguyễn Văn Chạy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, những năm qua, kinh phí phục vụ phòng chống khô hạn luôn được công ty cân đối bảo đảm.
Trong đó, công ty luôn chú trọng đầu tư vào các hạng mục, công trình như bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị; sửa chữa hạng mục hư hỏng; vận chuyển máy bơm; nguyên, nhiên liệu, thiết bị thực hiện bơm chống hạn.
Công nhân các chi nhánh ở các huyện, thành phố nạo vét kênh tưới, cửa vào cống, bể hút trạm bơm, nâng cao ngưỡng tràn bằng các đập dâng, đập bổi.
Đối với phòng chống khô hạn, thiếu nước tại công trình cấp nước tập trung, các chi nhánh sửa chữa các hư hỏng máy móc, đường ống, mua sắm các vật tư, thiết bị phục vụ xử lý kỹ thuật, giảm tổn thất các công trình.
Riêng mùa khô năm 2025, tổng kinh phí dự kiến phục vụ phòng, chống khô hạn, thiếu nước khoảng 1,7 tỷ đồng, trong đó phần lớn kinh phí được cân đối chi từ nguồn thu của công ty.
Tận dụng vốn các dự án
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, những năm qua, việc phòng, chống hạn hán được tỉnh lồng ghép, tận dụng vốn của các dự án.
Cụ thể như Dự án tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (SACCR) tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, giai đoạn 1 của dự án từ năm 2023 – 2024 đã hỗ trợ xây dựng 89 ao chứa nước phục vụ tưới cho khoảng 96ha cây trồng của người dân ở 3 huyện Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút.
Dự kiến trong năm 2025, dự án sẽ hỗ trợ người dân thực hiện thêm khoảng 141 ao chứa nước phục vụ tưới cho 149ha cây trồng.
Tại huyện Đắk Mil, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh, nhằm khắc phục tốt hơn tình trạng khô hạn thường xuyên xảy ra tại khu vực xã Đắk Lao.
UBND tỉnh đã triển khai Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Đắk Mil. Theo đó, tỉnh xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống hồ chứa và trạm bơm tại địa phương này.
Đây là dự án do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Hiện nay các đơn vị liên quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công đang thực hiện thi công, tại các khu vực như hồ Đội 35, hồ Đội 40.
Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025. Khi hoàn thành sẽ góp phần hạn chế tình trạng khô hạn cho khoảng 500ha cây công nghiệp chủ lực cho người dân địa phương.
Những năm qua, UBND tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm, ưu tiên các hoạt động phòng chống, thích ứng với khô hạn, thiếu nước nhằm bảo đảm đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tỉnh vận dụng tối đa các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, sự đầu tư của các doanh nghiệp, sự chủ động của người dân để thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Song song với các biện pháp công trình, ngành chức năng, các địa phương triển khai nhiều mô hình về kinh tế nông nghiệp xanh, sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải.
Người dân cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng khô hạn như đầu tư tưới tiên tiến, tiết kiệm.
Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù tỉnh đã huy động khá tốt các nguồn vốn để thích ứng với khô hạn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn. Tỉnh vẫn cần sự chung sức lớn hơn của các cấp, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân để phòng, chống hạn hiệu quả.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-da-dang-nguon-tien-cho-chong-han-249093.html