Tác động của thời tiết cực đoan
Theo TS. Tôn Nữ Tuấn Nam, nguyên Trưởng Phòng Khoa học, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, sự thay đổi thời tiết do BĐKH ở vùng Tây Nguyên thấy rõ nhất là biến đổi về nhiệt độ, quy luật mưa và lượng mưa.
“Trong những năm gần đây, quy luật mưa thay đổi khá rõ. Mưa chấm dứt sớm hơn vào khoảng tháng 10, lúc này cây hồ tiêu vẫn còn đang ở thời kỳ nuôi trái, đất cần có đủ độ ẩm để cây tiếp tục hút dinh dưỡng nuôi trái,” TS. Tôn Nữ Tuấn Nam cho biết.
Còn mùa mưa đến sớm đôi khi lại gây bất lợi cho cây hồ tiêu trong thời kỳ hãm nước để phân hóa mầm hoa. Điều này làm cây tiêu ra hoa kém, ra hoa ít và nhiều đợt, nên khó chăm sóc, thu hoạch.
Nắng nóng, hạn hán xảy ra vào tháng 6-7 cũng gây rụng gié non, hoa tiêu thụ phấn kém, gây nên hiện tượng hạt đóng thưa trên gié về sau.
Hiện nay, Đắk Nông là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất trong cả nước. Cây hồ tiêu ở Đắk Nông cũng có những bước thăng trầm như những vùng trồng tiêu khác do giá cả và dịch hại tấn công.
Dịch hại bùng nổ sau thời kỳ hoàng kim, một phần là do lúc giá tiêu cao, nông dân mở rộng diện tích nhanh và đầu tư bất chấp cho vườn tiêu. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, không tuân thủ những điều kiện cần thiết khi lập vườn trồng tiêu.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trong giai đoạn rớt giá, có không ít điểm sáng trong sản xuất hồ tiêu ở Đắk Nông. Nhiều nông hộ đã thực hiện canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ, giúp vườn tiêu phát triển bền vững, ổn định, tiếp tục làm giàu nhờ loại cây trồng này.
Cùng với đó, để phát triển hồ tiêu bền vững, tỉnh Đắk Nông đã có những định hướng, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận. Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Xây dựng giải pháp canh tác bền vững
Từ nhiều năm nay, các viện, trường, nhà khoa học và ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã có nhiều công trình nghiên cứu về canh tác hồ tiêu bền vững và được thực tế chứng minh.
Trong đó, biện pháp trồng tiêu trên cây trụ sống được nhiều người quan tâm. Qua thực tế sản xuất, trồng tiêu trên cây trụ sống đã giúp nhiều nông hộ vượt qua cơn khủng hoảng dịch hại giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Lê Đình Hùng, HTX Nông sản hữu cơ Bechamp, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, ngoài áp dụng giải pháp canh tác hữu cơ, trồng tiêu trên cây trụ sống giúp các vườn hồ tiêu của xã viên phát triển ổn định hơn.
Ông Hùng cho biết: “Cây trụ sống còn có tác dụng điều tiết sự ra hoa, kết trái hiệu quả so với vườn tiêu trồng trên cây trụ chết. Do vậy, năng suất ổn định và duy trì được tuổi thọ của vườn cây. Đặc biệt là trong những năm khí hậu có nhiều biến động cực đoan.”
Ngoài ra, tỷ lệ cây bị bệnh vàng lá chết chậm, chết nhanh ở các vườn cây trụ sống cũng thấp hơn vườn trụ chết. Nhu cầu tưới nước cũng thấp hơn, qua đó, giúp người dân giảm được chi phí tưới và tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước.
Cũng theo TS. Tôn Nữ Tuấn Nam, BĐKH dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan như cơn mưa lớn kéo dài, gây tình trạng ứ nước trong vườn tiêu, tạo điều kiện cho nấm Phytophthora phát triển gây hại vườn tiêu.
Để vườn tiêu thoát nước tốt, bà con nên trồng tiêu ngang mặt đất, sau đó vun gốc mu rùa, không để nước đọng vào gốc như cách trồng âm cây tiêu dưới mặt đất trước đây.
Bên cạnh đó, các nhà vườn cần thiết lập hệ thống thoát nước cho vườn tiêu, đặc biệt là các vườn tiêu trồng trên vùng đất bằng phẳng.
“Một giải pháp nữa là bà con cần trồng cây che phủ đất hoặc giữ thảm cỏ tự nhiên có kiểm soát trong vườn tiêu. Cây che phủ đất giúp giảm xói mòn, rửa trôi và cung cấp thêm chất hữu cơ, tăng độ tơi xốp của đất. Ngoài ra, cây che phủ đất tự nhiên còn góp phần hạn chế sự lây lan của tuyến trùng, nấm bệnh, rệp sáp gây hại rễ tiêu,” TS. Tôn Nữ Tuấn Nam cho biết thêm.
Hồ Tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Năm 2024, tỉnh có 33.985ha hồ tiêu, sản lượng 70.685 tấn/vụ, tăng 28.458 tấn so với năm 2018.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-canh-tac-ho-tieu-thich-ung-bien-doi-khi-hau-238078.html