Với lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, Đắk Nông có nhiều điều kiện để phát triển cây ăn quả có giá trị cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Một số cây ăn quả phát triển nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, chanh dây, cây có múi, xoài… Những loại cây này đều cho năng suất và chất lượng cao.
Đặc điểm khí hậu, thời tiết khiến thời vụ thu hoạch cây ăn quả ở Đắk Nông không trùng với những vùng trái cây truyền thống ở miền Tây và Đông Nam Bộ. Do đó, cây ăn quả của Đắk Nông có lợi thế về giá và thị trường.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng đã triển khai nhiều chương trình, mô hình hỗ trợ phát triển cây ăn quả đạt tiêu chuẩn nông nghiệp tốt ở các huyện, thành phố.
Tỉnh đã nghiên cứu, tuyển chọn giống và hoàn thiện các quy trình thâm canh, trồng xen cây ăn quả chủ lực, phát triển các vùng trồng tập trung.
Trong đó, vùng trồng xoài, sầu riêng, bơ ở huyện Đắk Mil; vùng sầu riêng tại huyện Đắk R’lấp; vùng cam quýt, cây có múi tại TP. Gia Nghĩa, Đắk Glong, Krông Nô…
Thời gian qua, một số loại trái cây của tỉnh đã vươn ra thế giới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả ở Đắk Nông đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và có thể dẫn đến những rủi ro. Trước hết là do tình trạng chặt – trồng tự phát của người dân, dẫn đến phá vỡ quy hoạch; những thách thức do biến đổi khí hậu…
Đã có không ít nông sản rơi vào tình trạng rớt giá hoặc phải giải cứu. Chẳng hạn như với cây bơ từng có thời điểm trên dưới 200.000 đồng/kg nhưng cũng có lúc chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Nguyên nhân là vì cung vượt cầu.
Hai năm gần đây, nhiều hộ tăng mạnh diện tích sầu riêng. Theo bà Nguyễn Thị Bình, thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, năm nay gia đình bà trồng mới 6ha sầu riêng. Hiện bà đang đẩy mạnh chăm sóc để tạo lực cho vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Bà hy vọng đến thời gian thu hoạch vườn sầu riêng sẽ cho thu nhập cao.
Theo nhiều chuyên gia, sầu riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, người trồng sầu riêng cần lường trước những thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cung vượt cầu… làm mất giá trị loại cây trồng này.
Là người đã canh tác sầu riêng hơn 20 năm nay, ông Bùi Quốc Việt, thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, cho rằng, loại cây trồng này cũng chứa đựng nhiều rủi ro.
Ông hiện có 11ha sầu riêng. Theo ông Việt, đây là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật khá cao, chịu nhiều tác động của khí hậu ở hầu hết quá trình từ làm bông, đậu quả, vào cơm, thu hoạch.
Do đó, nếu không nắm vừng kỹ thuật, không đoán đúng thời tiết thì nhà nông dễ gặp rủi ro lớn, mất trắng sản lượng sầu riêng và chịu thiệt hại lớn.
Thống kê của Sở NN-PTNT, cây ăn quả của tỉnh những năm gần đây đang có sự tăng mạnh về diện tích. Cụ thể, đến năm 2023, diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt trên 24.400ha, sản lượng đạt mức 123.000 tấn.
Diện tích này đã vượt định hướng của tỉnh đến năm 2030 khoảng 19.000ha. So với năm 2018, diện tích cây ăn quả tăng trên 17.200ha, sản lượng tăng trên 83.500 tấn.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT khuyến cáo, nhà nông, doanh nghiệp, hợp tác xã không nên mở rộng diện tích cây ăn quả một cách ồ ạt.
Tỉnh xây đang dựng các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung theo hướng đồng nhất về chất lượng và có quy mô lớn tại các vùng khí hậu, đất đai phù hợp.
Từ đó tạo thuận lợi liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư để tạo ra một sản lượng lớn trái cây phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-canh-bao-bung-no-dien-tich-cay-an-qua-231827.html