Suối khô, cây khát
Những ngày này, anh Nông Văn Dương, thôn Đắk Trung, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, Đắk Nông dành phần lớn thời gian trên rẫy cà phê. Hai cha con canh nhau từng giờ, từng phút để bơm nước từ suối Đắk Sôr lên tưới cho rẫy cà phê. Hơn 1.000 cây cà phê đang độ sung sức đang khát hơn vì trong những ngày nóng.
Suối Đắk Sôr đã cạn cả chục ngày nay. Không có nước từ thượng nguồn về, dòng suối trơ đáy, chỉ còn vài vũng nước nhỏ từ mạch ngầm chảy ra.
Anh Dương nối ống, bơm truyền nhiều chặng từ các vũng nước xa hơn về vũng nước gần. Từ đây, nước bơm thêm 1 chặng nữa lên cho rẫy cà phê phía trên.
Hai cha con anh Dương mặt sạm đi vì nắng. Nước bơm lên mỗi ngày chỉ đủ tưới cho vài chục cây. Công sức và chi phí tăng nhưng gia đình vẫn cảm thấy may mắn vì còn có nước tưới. Bởi đây là thời điểm cây cà phê đang bung hoa, rất cần nước tưới.
“Năm nay thì hạn hán dài hơn mọi năm. Nước không đủ để cho bà con tưới cây trồng. Như tôi đây bơm là 3 trạm để tưới cho cây cà phê. Chi phí tăng lên gấp 3 lần so với bình thường. Nhưng đó là vẫn còn may mắn”, anh Dương chia sẻ.
Từ rẫy cà phê của gia đình anh Dương ngược lên phía trên, cả dòng suối Đắk Sôr nhiều km trơ ra toàn đá. Cây trồng hai bên dòng suối cũng dần khô héo vì thiếu nước.
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô Doãn Gia Lộc, tổng diện tích cây trồng cần nước tưới hiện tại của huyện khoảng 53.000 ha.
Tuy nhiên, phía Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chi nhánh huyện Krông Nô chỉ đáp ứng nhu cầu nước tưới được khoảng 20% tổng diện tích. Phần còn lại người dân phải chủ động sử dụng các biện pháp tưới, tích trữ khác.
Hiện tại, toàn huyện Krông Nô có khoảng 1.500ha cây công nghiệp của người dân các xã Đắk Sôr, Tân Thành, Nâm Nung… đang đối mặt với nguy cơ hạn hán. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài thì diện tích bị hạn sẽ ngày càng lan rộng nhanh.
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) Doãn Gia Lộc
Chung tay chống hạn
Diện tích cây công nghiệp của huyện Krông Nô khoảng 49.000ha, trong đó có khoảng 25.000ha cà phê. Phần lớn diện tích cây công nghiệp tập trung tại các xã như: Đắk Sôr, Tân Thành, Nam Xuân, Nâm Nung…
Nguồn nước tưới của cây trồng phụ thuộc hoàn toàn và các công trình hồ, đập thủy lợi và ao hồ, sông suối ở huyện Krông Nô và vùng thượng lưu, thuộc huyện Đắk Mil.
Trước tình trạng khô hạn xuất hiện tại suối Đắk Sôr, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông đã có kế hoạch điều tiết nước từ các hồ, đập tại huyện Đắk Mil về. Dự kiến, việc điều tiết sẽ đáp ứng được 2 đợt vào tháng 3 và đầu tháng 4/2023.
Tuy nhiên, nếu tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, nước ở vùng thượng lưu sẽ không đủ để về cho cây trồng vùng hạ lưu. Khô hạn ở một số xã của huyện Krông Nô có nguy cơ diễn ra ngày càng nặng hơn.
Theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô Doãn Gia Lộc, ngay từ đầu vụ, huyện đã phối hợp với đơn vị cấp nước tổ chức điều tiết nước tưới cho bà con.
Tuy nhiên, trong tình hình nắng nóng kéo dài, bà con ở một số khu vực nên chủ động tích trữ nước và sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, tủ gốc để hạn chế bốc hơi cây công công nghiệp.
Đối với các loại cây ngắn ngày, huyện khuyến cáo bà con nên trồng rau, đậu… thay vì trồng lúa nước để tránh thiệt hại khô hạn.
Trong vụ đông xuân 2023 – 2024, huyện Krông Nô có khoảng 4.300ha cây ngắn ngày được trồng tập trung ở các xã: Buôn Choáh, Nâm N’đir, Đức Xuyên, Đắk Nang và Quảng Phú. Đây là những xã dọc sông Krông Nô, nguồn nước tưới phụ thuộc vào sông Krông Nô dưới thủy điện Buôn Tua Srah.
Ngay từ đầu mùa khô, Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh huyện cùng Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy điện Buôn Tua Srah) đã làm việc, thống nhất kế hoạch vận hành hồ chứa thủy điện. Các bên đã thống nhất vận hành hồ chứa nhà máy thủy điện theo hướng linh hoạt, tiết kiệm.
Theo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, hồ chứa Buôn Tua Srah có dung tích 522 triệu m3, có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều tiết nguồn nước, bảo đảm cho vùng hạ du 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, lưu lượng nước về hồ Buôn Tua Srah thấp, trung bình 30,67 m3/s/tháng, đạt 89,4 % so với trung bình nhiều năm.
Sau khi làm việc với chính quyền, phía thủy điện cam kết sẽ vận hành tổ máy xả nước về hạ du với lưu lượng tối thiểu 80m3/giây. Việc xả nước bắt đầu từ khoảng 15 giờ hàng ngày và thực hiện liên tục, tối thiểu 12 giờ cho đến khi bảo đảm lưu lượng trung bình ngày tối thiểu. Thời gian vận hành được áp dụng từ tháng 2-7/2024.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với các địa phương vùng hạ du để nắm tình hình thực tế.
Trên cơ sở đó, thủy điện sẽ khai thác nguồn nước phù hợp, linh hoạt, tiết kiệm nhằm bảo đảm nguồn nước và cung ứng điện cho mùa khô 2024.
Phía Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cũng khuyến cáo các địa phương vùng hạ du có các giải pháp công trình thủy lợi. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương tiến hành nạo vét kênh mương, tăng công suất bơm… để sử dụng nguồn nước sông Krông Nô hiệu quả trong những ngày cao điểm mùa khô.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông cho thấy, khả năng trong mùa khô năm 2024, lượng mưa sẽ thiếu hụt từ 10% – 30% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và dân sinh là rất lớn.
Hiện nay, trên một số lưu vực các sông, suối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang dao động theo xu hướng giảm nhanh. Tại các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không xuất hiện mưa.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng loạt các phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
Phương án của các địa phương phải sắp xếp thứ tự yêu tiên cho cấp nước dân sinh, chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán gây ra.
Lê Phước