Chiều 20/9, tiếp tục chương trình làm việc tại Đắk Nông, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Quàng Văn Hương dẫn đầu đoàn công tác Đoàn Hội đồng Dân tộc Quốc hội có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông.
Giai đoạn 2019 – 2023, tỉnh Đắk Nông đã giao khoán bảo vệ bình quân khoảng 19.341ha/1.013 hộ/năm. Tỉnh đã giao 4.741ha rừng cho 12 cộng đồng quản lý, bảo vệ, thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng; giao 821ha rừng cho 88 hộ gia đình thực hiện việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo quy định.
Giai đoạn này, Đắk Nông thực hiện chính sách bảo vệ phát triển rừng hơn 732,7 tỷ đồng. Thu nhập người dân tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng trung bình từ 350.000 – 800.000 đồng/ha/năm.
Việc thực hiện chính sách gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo ở một số vùng sâu, vùng xa còn cao. Ngoài ra, tỉnh còn nhiều công trình, dự án đầu tư gặp vướng mắc do nằm trong quy hoạch bô xít và quy hoạch lâm nghiệp đang chờ các bộ, ngành xem xét, tháo gỡ.
Tại buổi làm việc đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh công tác giao rừng của tỉnh còn thấp so với tiềm năng; cấp quyền sử dụng đất cho cộng đồng còn bất cập; quản lý đất đai từ đất lâm trường tính phức tạp lớn; cần có chính sách đặc thù cho tỉnh…
Phát biểu với đoàn công tác, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, Đắk Nông đặc thù có dân di cư tự do đông, gây sức ép rất lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Sau cuộc họp này, tỉnh sẽ có cuộc họp để tháo gỡ những khó khăn nội tại của Đắk Nông, tháo vướng mắc liên quan đến công tác giao đất, giao rừng vùng dân tộc thiểu số.
Kết luận buổi làm việc, ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đánh giá, các ý kiến tại buổi làm việc giúp cho đoàn hiểu sâu hơn về chuyên đề giám sát.
Tỉnh cần quan tâm đến tập quán, sinh hoạt văn hóa người dân tộc thiếu số gắn với rừng tránh mai một. Ngoài văn hóa, tỉnh cần quan tâm đến thu nhập, ổn định kinh tế để người dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống gắn bó với rừng.
Tỉnh rà soát kỹ diện tích đất công ty lâm nghiệp thu hồi để khoanh vùng giao về cho các đơn vị đủ năng lực quản lý, bảo vệ. Đối với đất rừng đang tranh chấp, lẫn chiếm, cần lập hồ sơ theo dõi đối tượng không để vụ việc phức tạp thêm.
Tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu các văn bản luật, cụ thể hóa để thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương…
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-can-ra-soat-dat-lam-nghiep-de-quan-ly-tot-hon-229785.html