Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và sự đồng hành của người dân, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đổi thay rõ rệt. Điều này ngày càng tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, Nhà nước và chính quyền các cấp.
“Thay da, đổi thịt” ở bon làng Thuận An
Những ngày cuối tháng 8 lịch sử này, dạo quanh các thôn, buôn, bon đồng bào DTTS ở các huyện như Cư Jút, Krông Nô, Đắk Glong, Đắk Song hay Tuy Đức…, không khó để chúng ta thấy được sự đổi thay từng ngày ở những vùng đất này. Các công trình cơ sở hạ tầng, đường vào thôn, buôn, bon đã được xây dựng. Những tuyến đường liên xã, huyện được láng nhựa hoặc được thảm bê tông phẳng phiu. Nhiều cây cầu nông thôn cũng được đầu tư xây dựng kiên cố thông thoáng, khang trang, sạch đẹp. Các công trình phúc lợi, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, với đầy đủ trang thiết bị chăm sóc sức khỏe cho người dân và nhu cầu học hành của trẻ nhỏ.
Tại xã Thuận An (Đắk Mil), không giấu được niềm vui khi nhìn thấy quê hương ngày càng đổi mới, già làng Y Yăm, dân tộc M’nông, bon Bu Đắk chia sẻ: “Bây giờ, đường sá thông thoáng, với hàng rào cây xanh thẳng tắp 2 bên đường, phía trên các cột điện được lắp bóng đèn thắp sáng, tạo điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân. Nhờ xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông từng bước được hoàn chỉnh, đời sống của đồng bào dân tộc M’nông ở trong bon được nâng lên rõ rệt, dân trí cũng được nâng cao. Tôi và người dân nơi đây rất vui mừng và phấn khởi trước sự thay đổi tích cực của địa phương”.
Sự “thay da, đổi thịt” của xã Thuận An thể hiện rõ nét nhất là niềm vui và sự phấn khởi của bà con Nhân dân. Người dân nơi đây vui mừng khi được nhà nước quan tâm đầu tư điện lưới quốc gia, nước sạch cũng đã “chảy” đến tận nhà. Anh Y A Rôn, Bí thư Đoàn xã Thuận An vui mừng cho biết: “Giờ thì việc sinh hoạt của người dân trong xã thuận tiện rất nhiều, sau khi được nhà nước đầu tư điện lưới, nước sạch. Ai nấy đều phấn khởi, vui mừng. Đặc biệt, người dân không ngừng sáng tạo, tiếp cận nhanh và áp dụng hiệu quả thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất – kinh doanh, để cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Phong trào thi đua yêu nước ở địa phương ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia. Điều này đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động xã hội – từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người nghèo luôn được địa phương quan tâm thực hiện, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Nhờ phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới và công khai, minh bạch về tài chính nên địa phương luôn được sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia của quần chúng Nhân dân.
Đồng bào ở Tâm Thắng ngày càng khởi sắc
Ghé thăm buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) đúng thời điểm tuyến đường giao thông của buôn vừa được sửa chữa xong. Trưởng buôn Nui Y Bin Êban vui mừng chia sẻ: được Nhà nước đưa điện về buôn, nhiều hộ gia đình được sử dụng nước sạch, đường giao thông được bê tông hóa, sạch sẽ. Bà con đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới khang trang, đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Điều đáng mừng nhất là thanh niên trong buôn biết giữ gìn văn hóa, phát triển các mô hình kinh tế. Buôn cũng đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nên bà con cũng phấn khởi lắm”.
Chia sẻ về câu chuyện làm kinh tế trong buôn, anh Y Phích Priêng nói: “Kinh tế gia đình tôi chỉ thực sự khá lên từ khi gia đình biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Ngoài việc trồng lúa, gia đình tôi trồng thêm hơn 1 ha cà phê và nuôi gà. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình mỗi năm khoảng hơn 150 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.
Được biết, ở xã Tâm Thắng, không chỉ có buôn Nui mà còn có các buôn như: Ea Pô, Buôr, Trum cũng được Đảng, Nhà nước hỗ trợ, đầu tư nhiều mặt về kinh tế. Qua đó, giúp đồng bào từng bước áp dụng công nghệ vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, điều, hồ tiêu… Vì vậy, đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Theo ông Nguyễn Sỹ Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, phát huy những kết quả đạt được, Tâm Thắng tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thi đua lao động sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; huy động nguồn lực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội…, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 8,55%
Không riêng gì đồng bào dân tộc Ê đê ở xã Tâm Thắng (Cư Jút) hay đồng bào dân tộc M’nông ở xã Thuận An (Đắk Mil), mà nhiều hộ đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh cũng rất vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển của tỉnh nhà.
Ông Hạng A Dê, dân tộc Mông ở xã Đắk Ha (Đắk Glong), người uy tín trong cộng đồng dân cư ở địa phương cho biết: “Từ khi tái lập tỉnh Đắk Nông năm 2004 đến nay, các cấp, ngành địa phương luôn quan tâm, triển khai tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, vùng sâu – xa được thực hiện đầy đủ trên tất cả các mặt văn hóa, kinh tế, an ninh… Trước đây, các thôn, bon, bản, vùng đồng bào DTTS chỉ có đường mòn, đường đất, chưa có nhà văn hóa cộng đồng thì đến nay đường nội thôn, bon, bản đã được nhựa hóa hoặc bê tông, có nhà văn hóa khang trang cho người dân sinh hoạt cộng đồng, cuộc sống của người dân đang đổi thay, phát triển”.
Được biết, những năm qua, việc triển khai chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhất là các chương trình cụ thể của địa phương trên các địa bàn khó khăn đã mang lại hiệu quả tốt. Bà con nơi đây hưởng ứng tích cực, tham gia xây dựng, đóng góp ngày công, hiến đất làm đường, liên kết sản xuất làm ăn, tăng gia sản xuất. Từ đó, bộ mặt buôn làng đã phát triển, đổi thay rất nhiều so với trước. Đặc biệt, người dân luôn được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và hưởng thụ các chính sách đầu tư nên rất phấn khởi.
Hiện nay, Đắk Nông đang tiếp tục triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo… đã có sự thay đổi rõ rệt.
Năm 2021, hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 11,19%, trong đó đồng bào DTTS tại chỗ chiếm tỷ lệ 32,81%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22%), hộ nghèo DTTS giảm 8,55%, riêng hộ nghèo DTTS tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%).
Để có được kết quả này, ngoài việc thực hiện các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách đặc thù riêng cho đồng bào DTTS phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.
Đến Đắk Nông hôm nay, hình ảnh “những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên” dần lùi vào dĩ vãng, để nhường chỗ cho những cung đường được trải nhựa, bê tông dài tít tắp nối các thôn, buôn bon, đời sống đồng bào DTTS đổi thay hằng ngày. Đến nay, các thôn, buôn, bon cơ bản đã bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh.