Nhiều di tích, di chỉ có giá trị
Việc phát hiện và nghiên cứu về khảo cổ học ở Đắk Nông bước đầu đã dựng lại được bức tranh lịch sử, diễn trình phát triển của vùng đất cao nguyên thời cổ đại, về cuộc sống của người xưa.
Từ gần 100 hiện vật có niên đại gần 10.000 năm được tìm thấy tại di chỉ thôn 7, xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô đã gợi ý nơi đây trước kia có thể là nơi cư trú và nơi chế tác công cụ đá của cư dân thời tiền sử.
Qua khảo sát, nghiên cứu, mới đây các chuyên gia, nhà khoa học đã phát hiện thêm một số hang động mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Đắk Glong nói riêng như hang T66, hang T22, hang Tà Đùng 1 và hang chưa đặt tên có giá trị cao về thẩm mỹ và khảo cổ.
Gần đây nhất, tháng 4/2024, cuộc khai quật di chỉ thôn 8 thuộc địa phận các thôn 7, 8 của xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, các nhà nghiên cứu, khoa học đã phát hiện hơn 1.000 hiện vật có niên đại trên, dưới 4.500 năm. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, khoa học, khu vực này có thể đã từng là một xưởng chế tác thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới. Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì cuộc khai quật nhận định, ngoài di chỉ thôn 8, các nhà khoa học tiến hành khảo sát và phát hiện được một số hiện vật ở các khu vực gần và xung quanh di chỉ như địa điểm thôn 7, thác Mây, đồi Mây. Điều này cho thấy, Đắk Nông còn rất nhiều tiềm năng về khảo cổ mang giá trị văn hóa, lịch sử chưa được khám phá.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, mục đích của cuộc khai quật tại di chỉ thôn 8, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút là để bảo tồn tại chỗ nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài trong việc phát triển di chỉ này trở thành một trong những điểm tham quan du lịch, kết nối với các điểm tham quan khác trong Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông. “Với cuộc khai quật này, các nhà khoa học chỉ bóc tách và làm rõ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu. Sau đó bằng phương pháp khoa học, các hố khai quật sẽ được lấp lại bảo đảm giữ nguyên hiện trạng. Từ đó tạo thuận lợi cho địa phương sau này trong việc mở lại các hố khai quật, phục vụ cho công tác phát triển du lịch, tham quan di tích”, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng thông tin.
Giá trị của khảo cổ học tại Đắk Nông đang được các nhà khoa học đánh giá cao về mặt giá trị nghiên cứu khoa học và có tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên đến nay, do hạn chế về hệ thống trưng bày nên các phát hiện về khảo cổ học chưa phát huy được nhiều giá trị để phục vụ du lịch mà chủ yếu để nghiên cứu.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định, chủ trương khai quật và bảo tồn tại chỗ di chỉ thôn 8, xã Đắk Wil là quyết định đúng, kịp thời của tỉnh Đắk Nông. Bởi hiện nay rất nhiều các di chỉ, di tích khảo cổ học trong cả nước đang bị xóa sổ hoặc đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn do quá trình đô thị hóa, xây dựng các công trình và các hoạt động dân sinh khác…
“Tại Đắk Nông cũng đã có nhiều khu di tích đã bị mất đi do quá trình canh tác của người dân. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Với những giá trị tiêu biểu của mình, các di chỉ tại Đắk Nông cần được bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản cho địa phương”, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ.
Hướng tới phát triển du lịch văn hóa, lịch sử
Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những phát hiện di chỉ khảo cổ vừa qua là một trong những nội dung quan trọng trong hồ sơ của tỉnh Đắk Nông trình lên UNESCO trong lần tái thẩm định công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) lần 3, vào năm 2027. Trước mắt, với những di chỉ khảo cổ đã được khai quật, ngành Văn hóa sẽ tham mưu cho tỉnh và có phương án, phối hợp bảo tồn để phát huy những giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử. Mặt khác, muốn giữ gìn, bảo tồn những giá trị này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và Nhân dân, nhất là ngay tại các địa phương có các di chỉ khảo cổ. Từ đó nhằm tránh sự mất mát đáng tiếc cũng như tránh thổi phồng những giá trị của các di chỉ, di tích.
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu, muốn phát huy được tiềm năng du lịch văn hóa gắn với khảo cổ, địa phương sớm lập hồ sơ, trình lên cấp thẩm quyền phê duyệt nhằm công nhận đây là di tích lịch sử. Địa phương sớm quy hoạch, xây dựng hồ sơ và xếp hạng di chỉ. Đây là những cơ sở pháp lý để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị các di chỉ trong tương lai.
“Đắk Nông cần tiếp tục nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ trong mối liên kết với hệ thống các di sản tự nhiên và văn hóa hiện có của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Từ đó có thể xây dựng các tour du lịch gắn với giá trị di sản khảo cổ hấp dẫn du khách không chỉ trong nước mà từ khắp nơi trên thế giới”, Thạc sĩ Vũ Tiến Đức, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, chủ trì thực hiện cuộc khai quật di chỉ thôn 7, xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô đề nghị.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng gợi ý, khi địa phương xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ khảo cổ học thôn 8 nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân nơi đây cần chú ý gắn kết với các giá trị văn hóa của người Ê đê, giá trị thiên nhiên như thác Mây, thác Đắk Mao trên địa bàn xã Đắk Wil. Rộng hơn, đề án gắn kết di chỉ khảo cổ học thôn 8 vào tuyến du lịch của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông theo định hướng phát triển du lịch lịch sử – văn hóa – cảnh quan thiên nhiên – sinh thái. Từ đó tạo thành một tổng thể đa dạng, hài hòa, có sức cuốn hút hơn đối với khách tham quan.
Còn theo Thạc sĩ Vũ Tiến Đức, khi địa phương thực hiện công tác bảo tồn cần chú trọng, tăng cường giáo dục, tuyên truyền về lịch sử địa phương tới các thế hệ nhằm khơi dậy tính cộng đồng, để nâng cao nhận thức, huy động sự chung tay, chung sức của toàn thể Nhân dân. “Hơn nữa, di chỉ thôn 8 nằm gần đường biên giới với Campuchia. Đây cũng được coi là cột mốc văn hóa để chúng ta cần giữ gìn để khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc”, Thạc sĩ Vũ Tiến Đức lưu ý .