Vị khách du lịch thứ 1,5 triệu trong đoàn khách du lịch đầu tiên đến tỉnh Đắk Lắk nhân dịp Tết Dương lịch năm 2025 là chị Lưu Minh Lan ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội đi trên chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airline mang số hiệu VN1603 từ Hà Nội vào thành phố Buôn Ma Thuột đúng 9 giờ 10 phút sáng 1/1/2025.
Sáng 1/1, tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức đón vị khách du lịch thứ 1,5 triệu và đoàn khách du lịch đầu tiên đến tỉnh Đắk Lắk nhân dịp Tết Dương lịch năm 2025, với thông điệp “Đắk Lắk – Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên”.
Trực tiếp ra Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đón và tặng hoa cho vị khách du lịch thứ 1,5 triệu và đoàn khách du lịch đầu tiên đến tỉnh Đắk Lắk nhân dịp Tết Dương lịch năm 2025, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, nhằm nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch tỉnh Đắk Lắk, thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là những du khách tiềm năng trong và ngoài nước.
Đồng thời, cũng là cơ hội để giới thiệu các điểm du lịch đặc sắc và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh nhằm thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến với Đắk Lắk ngày một nhiều hơn, đẩy mạnh kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Đắk Lắk”, “Người Đắk Lắk đi du lịch Đắk Lắk”, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam cũng như của tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục khẳng định Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước và tỉnh nhà, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức đón vị khách du lịch thứ 1,5 triệu và đoàn khách du lịch đầu tiên đến tham quan, du lịch tỉnh Đắk Lắk nhân dịp Tết Dương lịch năm 2025 một cách trang trọng, thể hiện tình cảm trọng thị, nồng nhiệt, mến khách của ngành Du lịch Đắk Lắk đối với khách du lịch trong, ngoài nước.
Cùng với việc tổ chức tiếp đón trọng thị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng tại khu vực ga đến của Cảng hàng không Buôn Ma Thuột để chào đón và phục vụ những du khách đến với Đắk Lắk trong ngày đầu năm mới 2025, tạo không khí vui tươi, phấn khởi khi đặt chân đến Đắk Lắk.
Chị Lưu Minh Lan, vị khách du lịch thứ 1,5 triệu trong đoàn khách du lịch đầu tiên đến tỉnh Đắk Lắk nhân dịp Tết Dương lịch năm 2025 chia sẻ: “Tôi đã đến Đắk Lắk nhiều lần và tôi rất thích không khí trong lành, sạch sẽ, mát mẻ cũng như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú và ẩm thực hết sức đa dạng, ngon cũng như con người ở đây hiền hòa, chất phác và mến khách. Bên cạnh đó, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mỗi lần đến với Đắk Lắk, tôi thấy vùng đất này thay đổi nhanh chóng, nhất là ở thành phố Buôn Ma Thuột. Vì vậy, tôi đã chọn Đắk Lắk để đưa gia đình mình vào du lịch, công tác và nghỉ dưỡng trong ngày đầu năm mới 2025 và sẽ lưu trú tại đây đến ngày 7/1 mới trở về Hà Nội. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều du khách khi đến với Đắk Lắk đều có cảm nhận như vậy”.
Năm 2024, hoạt động du lịch của tỉnh Đắk Lắk có nhiều khởi sắc, tổng số lượng khách đến Đắk Lắk đạt 1,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 41.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch toàn tỉnh năm 2024 ước đạt 1.150 tỷ đồng.
Để đạt được kết quả trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tích cực phối hợp với các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tại sự kiện văn hóa, chính trị tại địa phương và các hội nghị, hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức… để quảng bá thương hiệu du lịch của tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực, du lịch đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng đầu tư, thương mại và du lịch của từng địa phương.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức lớp tập huấn chuyển đổi số trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số của ngành du lịch, ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch cho các cơ quan quản lý nhà nước địa phương và các doanh nghiệp, tạo môi trường kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý du lịch của địa phương với tỉnh, Trung ương và giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nền tảng hỗ trợ kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao kiến thức xây dựng và đưa vào ứng dụng thực tế các sản phẩm ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, giúp các cơ quan, đơn vị liên quan và khách du lịch trong và ngoài nước kết nối và tương tác với nhau một cách dễ dàng, phù hợp với chủ trương và kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trong và ngoài nước tiếp cận các thông tin, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch Đắk Lắk được dễ dàng, thuận tiện, hiệu quả.
Đặc biệt,Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức mời 16 tỉnh, thành phố đã ký kết liên kết, hợp tác phát triển du lịch, trong đó có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng tham gia Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch và khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh Đắk Lắk và tổ chức cho Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia vào các chương trình khảo sát các tuyến du lịch tại Đắk Lắk; tham gia Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch sáu tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Kon Tum và Phú Yên năm 2024 tại Bình Định.
Sau các chuyến khảo sát, các doanh nghiệp du lịch đã nghiên cứu và đưa tuyến, điểm du lịch tại các địa phương và tỉnh Đắk Lắk vào chương trình tour du lịch để giới thiệu cho khách du lịch của địa phương, khách du lịch trong nước và ngoài nước.
Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch như: Đầu tư phát triển hệ thống khách sạn tiêu chuẩn từ 3 – 4 sao tại khu vực trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống cơ sở lưu trú tại các khu du lịch, điểm du lịch, nhất là phát triển cơ sở lưu trú theo hình thức nhà ở có phòng cho thuê (homestay) tại một số thôn, buôn phát triển du lịch cộng đồng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, mua sắm hàng hoá, nhất là chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đặc sản, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ; dịch vụ ăn uống, ẩm thực; dịch vụ chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí… Hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay cho các buôn đồng bào dân tộc Ê-đê, M’nông trên địa bàn.
Đồng thời, phát triển làng nghề, nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, nghề làm gốm, nghề đan lát mây tre, tạc tượng gỗ dân gian, nghề sản xuất rượu cần, rượu men lá…; lồng ghép được các tour du lịch đưa khách tham quan tại một số làng nghề, cụm nghề nhằm tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của địa phương, đã góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, thu hút các tổ chức, cá nhân và du khách trong và ngoài nước tham quan cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tính đến hết tháng 30/11/2024, trên địa bàn tỉnh có 275 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 27 khách sạn được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao, 80 khách sạn chưa xếp hạng, 138 nhà nghỉ, bảy nhà khách, 19 homestay, một bãi cắm trại, ba căn hộ du lịch với tổng số 5.566 buồng phòng.
Năm 2025 sẽ diễn ra nhiều ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và tỉnh Đắk Lắk, trong đó có sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025); Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 diễn ra vào trung tuần tháng 3. Vì vậy, ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu sẽ đón khoảng 1,8 triệu lượt khách trong nước và nước ngoài đến với vùng đất huyền thoại này.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-lak-don-vi-khach-thu-1-5-trieu-va-doan-khach-du-lich-dau-tien-cua-nam-2025-238620.html