Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Ðắk Lắk không chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân, mà còn quan tâm triển khai thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn.
Trước tình trạng các tổ chức hội, nhóm tín ngưỡng, hiện tượng tôn giáo mới chưa được thừa nhận xâm nhập vào địa bàn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân và an ninh trật tự ở cơ sở, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang tập trung đấu tranh, xử lý, xóa bỏ các “tà đạo”, “đạo lạ”, góp phần bảo đảm an ninh tôn giáo trên địa bàn.
Sống tốt đời đẹp đạo
Theo Ban Tôn giáo tỉnh Ðắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có bốn tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài, với khoảng hơn 616.000 tín đồ, chiếm khoảng 32% số dân trong tỉnh, trong đó có khoảng 256.190 tín đồ là người dân tộc thiểu số. Công giáo có 110 cơ sở thờ tự, với 217.026 tín đồ; Tin lành có khoảng 199.830 tín đồ, trong đó 195.183 tín đồ là người đồng bào dân tộc thiểu số; Phật giáo có 175 cơ sở chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm đường, với khoảng 193.490 tín đồ; Ðạo Cao đài có gần 6.000 tín đồ đang sinh hoạt tại 12 cơ sở họ đạo.
Phó Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Văn Tứ cho biết, với sự quan tâm sâu sát của Ðảng, Nhà nước, nhiều chính sách về phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Ðắk Lắk đã được ban hành.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đời sống của người dân, nhất là nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người dân, không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn giúp họ nhận thức đúng, đặt đúng đức tin, không để “tà đạo” lôi kéo, dụ dỗ.
“Ðời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Ðắk Lắk nói riêng từng bước khởi sắc. Cộng đồng các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn đóng góp quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, vận động các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng đời sống mới”, đồng chí Nguyễn Văn Tứ khẳng định.
Linh mục Vũ Thanh Lịch, Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo tỉnh Ðắk Lắk cho biết: Ðồng bào Công giáo trong tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo các cơ sở thờ tự. cho nên đến nay các cơ sở tôn giáo của các giáo xứ, họ đạo ngày càng khang trang, to đẹp. Kinh tế-xã hội phát triển, cuộc sống của giáo dân ngày càng được nâng cao, ai cũng phấn khởi, yên tâm giữ đạo và chu toàn trách nhiệm công dân.
Vị thế của người Công giáo không ngừng được nâng cao trong cộng đồng các dân tộc, cùng với các tôn giáo bạn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết liên tôn hòa ái. Ðồng bào Công giáo trong tỉnh luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và địa phương phát động.
Trong đồng bào Công giáo xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, xuất sắc về phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Mục sư Y Tuân Mlô, Trưởng ban đại diện Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk khẳng định, cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Nhà nước đã có Luật về Tôn giáo, tôn trọng công dân có quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật.
Ban đại diện Hội thánh Tin lành miền nam Việt Nam tỉnh Ðắk Lắk luôn yêu cầu mục sư quản nhiệm các chi hội, điểm nhóm Tin lành trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành các chủ trương, đường lối, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, quy định của địa phương, sống tốt đời đẹp đạo, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống buôn làng bình yên, ấm no, hạnh phúc.
Đấu tranh xóa bỏ các “tà đạo”, “đạo lạ”
Ðắk Lắk là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh của khu vực và cả nước; là nơi sinh sống của 49 dân tộc anh em. Chính vì vậy, các thế lực thù địch thường xuyên tập trung chống phá với các hoạt động “diễn biến hòa bình”, âm mưu khuấy động tư tưởng ly khai, tự trị, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thành lập “Nhà nước Ðề ga độc lập”.
Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số chống phá Ðảng, Nhà nước và chế độ. Bên cạnh đó, những năm qua trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk còn xuất hiện một số “đạo lạ”, “tà đạo”, trong đó có những loại “đạo lạ” và những loại hình gắn với tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa dân tộc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Qua công tác nắm tình hình của các ngành chức năng, tỉnh Ðắk Lắk hiện có 14 nhóm với hơn 1.200 người tham gia các “tà đạo”, “đạo lạ” như: Ðạo Hà Mòn, Amí Sara, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Luân Công, Hội thánh của Ðức Chúa Trời Mẹ, Hội thánh Tin lành Ðấng Christ, Pháp Môn Diệu Âm, Tâm Linh Ðạo, Thiên Ðạo, Long Hoa Di Lặc, Bà Cô Dợ, Giê Sùa, tổ chức “Tin lành Ðắk Lắk Việt Nam”.
Các đối tượng cầm đầu “tà đạo”, “đạo lạ” đã lợi dụng hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường, các sự kiện chính trị, văn hóa, tôn giáo, biểu diễn nghệ thuật, thiền định, ăn chay, đào tạo ngoại ngữ và lợi dụng, tranh thủ sức ép từ các tổ chức quốc tế, truyền thông nước ngoài; thông qua điện thoại, mạng xã hội, tiến hành tuyên truyền trực tiếp hoặc thông qua đường bưu chính để phát tán tài liệu.
Một số “tà đạo” chú trọng tuyên truyền, lôi kéo những người có vị trí, ảnh hưởng lớn trong xã hội như văn nghệ sĩ, giáo viên, sĩ quan… và núp bóng dưới danh nghĩa các câu lạc bộ, công ty TNHH, tổ chức xã hội để che giấu hoạt động và đối phó với cơ quan chức năng.
Ðáng chú ý, một số “tà đạo” như “Ðạo Bà Cô Dợ”, “Hội thánh Giê Sùa”, “Amí Sara”… tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh tâm linh, gây phương hại về sức khỏe và tính mạng cho người tin theo; tuyên truyền không cần làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, khi đau ốm không cần đến bệnh viện để chữa trị, chỉ cần đến tu tập và được “giáo chủ” “làm phép” cầu nguyện sẽ khỏi…
Một số “tà đạo” thực hành những “nghi lễ” trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa như đập bỏ bàn thờ tổ tiên, xuyên tạc lịch sử; công kích, nói xấu các tôn giáo được Nhà nước công nhận; kích động người dân chống đối chính quyền, tẩy chay các hoạt động do chính quyền địa phương tổ chức…
Qua điều tra, các cơ quan chức năng xác định hầu hết những người đứng đầu các “tà đạo”, “đạo lạ” đều có ý đồ trục lợi, lợi ích cá nhân gây bức xúc trong cộng đồng tôn giáo. Khi bị phát hiện, xử lý các đối tượng tỏ thái độ ngoan cố, không hợp tác, thậm chí gửi đơn khiếu nại, vu cáo chính quyền vi phạm “nhân quyền”, “tự do tín ngưỡng, tôn giáo”…
Thượng tá Lữ Thị Anh Ðào, Phó trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Ðắk Lắk cho biết: Công an tỉnh đã chủ động tham mưu chính quyền và phối hợp các ngành chức năng địa phương thường xuyên tổ chức các buổi phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo; phối hợp các ngành chức năng làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò lực lượng cốt cán, tranh thủ, vận động chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo tại địa phương tuyên truyền, vận động tín đồ không tin, không nghe theo các “tà đạo”, “đạo lạ”…
Từ những giải pháp quyết liệt nêu trên, các ngành chức năng của tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác cho quần chúng, tín đồ trước ý đồ, thủ đoạn, hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người tham gia tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh trật tự của các đối tượng trong “tà đạo”, “đạo lạ”.
Các ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo người dân hãy luôn đề cao cảnh giác, không tin, không nghe các đối tượng lôi kéo tham gia vào các “tà đạo”, “đạo lạ”, các tôn giáo chưa được Nhà nước cho phép hoạt động. Ðồng thời, tích cực tố giác, phối hợp chính quyền và lực lượng công an các cấp đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ các “tà đạo”, “đạo lạ” cũng như các đối tượng phản động đội lốt tôn giáo, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của các buôn làng.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-lak-dau-tranh-xoa-bo-cac-ta-dao-dao-la-242639.html