Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Đắk Lắk đã từng bước tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa sản vật của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.
Ngày 14/8, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023.
Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, thực hiện một cách chủ động, đảm bảo đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, Đắk Lắk đã công nhận cho 143 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao của 93 chủ thể OCOP. Trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, một sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai cho thấy, các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP còn ít, quy mô sản phẩm OCOP còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến các thông tin về Chương trình OCOP, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế khu vực nông thôn; chuyên đề “Bản chất Chương trình OCOP; trách nhiệm của hệ thống chính trị trong triển khai Chương trình OCOP; bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2023-2025″…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, qua Chương trình OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Để tiếp tục khẳng định vị thế sản phẩm địa phương, thời gian tới rất cần đến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất dành cho Chương trình.
Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển sản phẩm, xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với sản phẩm OCOP; cần xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm, hướng dẫn, xây dựng hồ sơ sản phẩm.
Tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ sản xuất; khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm…
Hội nghị đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk đợt I, II, III năm 2022 cho 45 chủ thể, trong đó có 9 chủ thể sản phẩm OCOP có sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 36 chủ thể sản phẩm OCOP có sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao.