Những điểm sáng
Năm 2023, huyện Đắk Glong có 7/11 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý nhất là về công tác giảm nghèo và tỷ lệ trồng mới rừng.
Về công tác giảm nghèo, theo chuẩn giai đoạn 2021-2025, ước tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 12,23%, vượt kế hoạch từ 5-7%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ước giảm 6% trở lên, đạt so với kế hoạch.
Chủ tịch UBND huyện Trần Nam Thuần cho hay, đây là kết quả rất đáng mừng của địa phương, xuất phát từ việc triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được người dân thực hiện hiệu quả, nhất là về nuôi dê, trồng dâu nuôi tằm…
Theo ông Thuần, với nghề nuôi tằm, nếu có sẵn vườn dâu, chỉ cần sau nửa tháng, người dân tren địa bàn đã có ngay nguồn thu nhập. Trồng dâu nuôi tằm hiện được triển khai ở phần lớn các xã trên địa bàn; trong đó, nhiều nhất là ở xã Quảng Hoà, Quảng Khê. Với giá hơn 200 ngàn đồng/kg như hiện nay đã giúp bà con sớm cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một nguyên nhân nữa giúp công tác giảm nghèo đạt kết quả cao là do trong năm, giá của các sản phẩm nông nghiệp như: sầu riêng, cà phê… tăng cao đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho bà con.
Về trồng rừng, trong năm, tỷ lệ rừng trồng mới tập trung toàn huyện đã thực hiện được 946,76 ha, đạt 189,3% kế hoạch. Ngoài ra, địa phương còn triển khai trồng mới thêm hơn 255 ha khác.
Cụ thể, trồng nông, lâm kết hợp được 2,1 ha/700 ha do UBND xã Đắk Som thực hiện, loài cây trồng xen là cây Giổi. Trồng cây phân tán là 13,9 ha/30 ha; trong đó, UBND huyện đã thực hiện trồng 5.900 cây, tương đương 5,9 ha. Vườn Quốc gia Tà Đùng trồng 8.000 cây Giáng hương, tương đương 8 ha.
Diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên toàn huyện tực hiện được 112,76 ha/85 ha kế hoạch giao. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đắk N’tao trồng được 5,67 ha/5 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn: 76,87 ha/20 ha; Vườn quốc gia Tà Đùng: 30,22 ha/30 ha.
Nhìn chung, chỉ trừ các chỉ tiêu về thu ngân sách, nông thôn mới và một số chỉ tiêu thành phần, còn lại các chỉ tiêu kinh tế khác của huyện trong năm đều có sự tăng trưởng khá so với kế hoạch.
Huy động mọi nguồn lực
Để thực hiện tốt các mục tiêu trong năm tới, ngay từ thời điểm cuối năm 2023, Đắk Glong đã xây dựng và huy động mọi nguồn lực triển khai kịp thời các giải pháp mang tính trọng tâm, cụ thể.
Trong đó, địa phương lấy nông nghiệp làm trọng tâm cho sự phát triển kinh tế. Để làm được điều này, huyện đang thực hiện tốt các mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Huyện tiếp tục thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã. Hình thức sản xuất chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá đang được khuyến khích mở rộng.
Để phục vụ cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn, địa phương tiếp tục đa dạng hóa các loại hình sản xuất công nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Trong đó, huyện sẽ thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhằm kêu gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ được thực hiện theo lộ trình. Huyện tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn hỗ trợ để mang lại những kết quả cụ thể hơn nữa.
Ông Thuần cho biết, để tạo động lực phát triển kinh tế địa phương trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng cho địa phương về: du lịch sinh thái ở xã Đắk Som, xã Quảng Khê; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp alumin – nhôm, điện gió…