Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu
Cuối năm 2023, gia đình chị H’Thủy (SN 1992) xây dựng căn nhà rộng hơn 70m2 tại bon Kon Hao, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong. Con nhà nghèo và lấy chồng sớm, chị H’Thủy chưa từng nghĩ tới ngày mình sẽ tự xây dựng được căn nhà mới cho riêng mình.
Căn nhà của chị H’Thủy xây dựng ước chừng khoảng 200 triệu đồng. Trong số này, chị H’Thủy được vay hỗ trợ hộ nghèo 70 triệu đồng và 40 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ nhà ở. Hai vợ chồng tích lũy được vài chục triệu đồng. Số còn lại vay của hai bên nội ngoại và bạn bè.
“Nhờ Nhà nước hỗ trợ, hộ nghèo như tôi mới được căn nhà ở. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực vươn lên”, chị H’Thủy tâm sự.
Sinh ra và lớn lên tại bon Kon Hao, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ha K’Thuốt không giấu được niềm vui vì sự thay đổi trên quê hương mình. Từ một bon với tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số đông, hộ nghèo đa số, bon Kon Hao đã thực sự chuyển mình.
Những ngôi nhà gỗ tạm đã dần được thay đổi bằng những ngôi nhà tường xây, mái tôn kiên cố. Đồng bào ai ai cũng phấn khởi, động viên nhau làm ăn.
Năm 2023, huyện Đắk Glong xác định sẽ thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững. Trong đó, trọng tâm là giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các xã, các thôn, bon; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Chương trình giảm nghèo của huyện Đắk Glong nhận được nguồn lực rất lớn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng nguồn vốn của 3 chương trình này trong năm 2022 – 2023 là hơn 535 tỷ đồng. Nhờ nguồn lực quan trọng này, kết quả giảm nghèo đã vượt kế hoạch đề ra.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 12,24%, vượt kế hoạch (giảm từ 5-7%) đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 21,16%, vượt xa so với kế hoạch (giảm tối thiểu 6%). Hiện toàn huyện có 2.531 hộ nghèo (tỷ lệ 13,44% dân số toàn huyện) với 14.293 nhân khẩu.
Tập trung giảm nghèo bền vững
Đắk Glong là 1 trong 22 huyện nghèo của cả nước. Theo kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, Đắk Glong phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên 7%. Qua 3 năm triển khai, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều cao hơn so với kế hoạch đề ra.
Thời gian qua, Đắk Glong luôn đặt mục tiêu giảm nghèo thiên về chất lượng, hạn chế tình trạng tái nghèo. Để làm được việc này, địa phương triển khai các dự án, phương án sản xuất cộng đồng để tạo sinh kế cho người dân.
Trong năm 2023, Đắk Glong đã triển khai 27 dự án, phương án sinh kế tại 7/7 xã của địa bàn. Các dự án, phương án sinh kế chủ yếu là nuôi bò sinh sản, nuôi heo, nuôi dê, nuôi gà… Thời gian thực hiện các dự án, phương án sinh kế từ 7 – 26 tháng.
Mỗi dự án, phương án sinh kế có từ 4 – 36 thành viên. Tổng số thành viên tham gia các dự án, phương án sinh kế giảm nghèo là gần 300 người. Tùy vào số thành viên và quy mô, Nhà nước hỗ trợ ngân sách từ 60 – 300 triệu đồng cùng vốn đối ứng của người dân để thực hiện dự án.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giảm nghèo đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Khi người nghèo nâng cao nhận thức, họ sẽ nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng. Sự hỗ trợ của Nhà nước tiếp đó sẽ phát huy hiệu quả ngày càng cao hơn.
Đắk Glong đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất cho người dân. Cùng với đó là giải pháp về việc làm, đào tạo nghề nông thôn hoặc xuất khẩu lao động.
“Việc triển khai các dự án, tiểu dự án góp phần mang lại sinh kế cho người dân. Khi người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, họ sẽ có cơ hội việc làm và vươn lên làm giàu, hạn chế tối đa hiện tượng tái nghèo”, ông Thuần chia sẻ.
Năm 2023, Đắk Glong ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 43 triệu đồng/năm. Tỷ lệ giảm nghèo đạt 12,24%, vượt gấp đôi so với kế hoạch. Số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá giảm trên 59% so với cùng kỳ năm trước…