Di sản văn hóa sống động
Ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (Đắk Nông), vào ngày 10/10 âm lịch, khi sắc vàng óng ả của hạt lúa phủ khắp ruộng đồng, đồng bào Thái nơi đây lại tưng bừng tổ chức Lễ hội cúng lúa mới, còn gọi là Tết cơm mới.
Người Thái tin rằng vạn vật quanh mình, từ cây lúa, con sông đến ngọn núi đều mang linh hồn và sức sống riêng. Từ xa xưa, đồng bào đã kiến tạo một hệ thống tín ngưỡng và nghi lễ vô cùng phong phú. Những nghi lễ ấy được gìn giữ qua nhiều thế hệ, như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tâm linh của đồng bào.
Tại lễ hội, người dân tái hiện trọn vẹn hành trình gieo trồng hạt lúa. Từ lúc khai phá đất đai, cày xới ruộng nương, đến khi những hạt mầm đầu tiên được gieo xuống hay công đoạn chăm sóc và thu hoạch rồi giã lúa, vo gạo, nấu thành cơm thơm dẻo.
Hòa trong không gian sống động, đầy màu sắc của lễ hội là âm thanh vang vọng của cồng chiêng và khua luống. Những thanh âm truyền thống vào lúc này trở thành phương tiện giao cảm thiêng liêng, kết nối con người với thần linh, đất trời.
Các sản vật đặc trưng do chính tay bà con chuẩn bị được bày biện trang trọng. Khi lễ vật được chuẩn bị tươm tất, nghi lễ bắt đầu với tiếng khấn trang nghiêm của thầy cúng, như một lời tri ân gửi đến trời đất, mời gọi tổ tiên và thần linh về dự lễ và bày tỏ niềm mong ước về mùa vụ mới bội thu.
Giữa bầu không khí náo nhiệt và phấn khởi, các trò chơi truyền thống như cù quay, nhảy bao bố, tò lẹ, kéo co, đi cà kheo, đẩy gậy… diễn ra đầy sôi nổi, thu hút cả người tham gia lẫn khán giả cổ vũ. Đây không chỉ là dịp đồng bào tri ân những món quà từ thiên nhiên mà còn là cơ hội để bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, mang lại niềm vui và sự gắn kết cộng đồng.
Năm nay là lần đầu tiên mình tham gia lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Mình rất thích không khí lễ hội sôi động, đông vui, nhiều trò chơi thú vị và các món ăn ngon tại các gian hàng. Hy vọng năm sau mình vẫn có thể được tham gia lễ hội như thế này.
Chị Vi Hồ Ly Na, du khách đến từ TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Trong lễ hội, người Thái nơi đây trổ tài chế biến các món ăn truyền thống. Không gian ẩm thực rộn ràng với các mâm cỗ được chăm chút tỉ mỉ, bày biện công phu. Mỗi món ăn không chỉ là hương vị, là bản sắc mà còn là câu chuyện về tình yêu thiên nhiên và niềm tự hào văn hóa của đồng bào.
Qua đó, người Thái gửi gắm thông điệp giữ gìn bản sắc, truyền lại giá trị quý báu cho lớp trẻ, để mỗi mùa lễ hội về, hương vị truyền thống ấy lại lan tỏa, tiếp nối dòng chảy văn hóa qua từng thế hệ.
Dịp đầu xuân năm mới, khi những vạt cà phê bung nở trắng muốt, cũng là thời điểm bà con đồng bào DTTS xã Nam Đà, Nam Xuân tổ chức Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội xuống đồng). Đây được xem là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới của người Tày, Nùng nói riêng và các DTTS phía Bắc đến định cư nơi đây.
Lễ hội Lồng tồng mang tín ngưỡng về các vị thần cai quản đồng ruộng, các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Qua đó chứa đựng mong ước về một cuộc sống yên lành, no đủ.
Trong lễ hội, phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu. Mâm cỗ cúng gồm xôi, gà, thịt, bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, cơm lam, xôi ngũ sắc… Lễ hội quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng của các dân tộc như: dân ca, dân vũ, ẩm thực, trò chơi dân gian…
Du xuân trên vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, du khách có thể hòa mình vào văn hóa, lễ hội của đồng bào các DTTS. Các lễ hội như những nét chấm phá trong bức tranh văn hóa phong phú của cộng đồng nơi đây, mang theo bao lời cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống đủ đầy và tinh thần cộng đồng gắn bó.
Tất cả như những lời mời chân tình gửi đến du khách, cùng hòa mình vào không gian của lễ hội, vào niềm vui và niềm tự hào về những giá trị văn hóa thiêng liêng mà bao thế hệ đồng bào đã giữ gìn.
Các lễ hội quảng bá được hình ảnh, nét đẹp, con người xã Nam Xuân. Để tổ chức các lễ hội, địa phương lên kế hoạch từ sớm, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại lễ hội. Lễ hội chú trọng thực hiện các gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương về ẩm thực, sản phẩm thổ cẩm, đan lát, trái cây…
Ông Vi Quốc Nhất, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, huyện Krông Nô
Điểm nhấn du lịch văn hóa
Cộng đồng DTTS tại chỗ có kho tàng di sản văn hoá hết sức độc đáo, phong phú. Nổi bật là diễn tấu cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân gian truyền thống, hát kể sử thi, các nghi lễ, lễ hội, dệt thổ cẩm, đan lát… Đặc biệt, các lễ hội truyền thống của đồng bào M’nông, Ê đê làm nổi bật nét đẹp bản sắc văn hoá riêng của huyện Krông Nô.
Huyện Krông Nô có 24 dân tộc; trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 38%. Dân tộc M’nông và Ê đê là DTTS cư trú lâu đời trên địa bàn huyện, với hơn 7 nghìn người sinh sống tại 22 bon, buôn.
Đến với các bon làng M’nông xã Nâm Nung, du khách có thể tìm hiểu về Lễ hội “Tăm Blang M’prang bon” (Lễ hội rào bon trồng cây Blang). Đồng bào M’nông nơi đây quan niệm, cây Blang tượng trưng cho sự kiên cường, ngay thẳng. Loài cây này có thể che chắn, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ bon làng trước rủi ro, thiên tai, địch họa. Và cứ 3 đến 5 năm một lần, bà con lại tổ chức Lễ hội “Tăm Blang M’prang Bon”.
Từ bao đời nay, người M’nông tin rằng, dân làng đã đền ơn, đáp nghĩa thần linh thông qua nghi lễ thì thần linh sẽ phù hộ cho bà con sự ấm no, khoẻ mạnh. Vì thế, các nghi lễ mang đến một tâm tưởng an tâm, vui tươi, thoải mái. Với ý nghĩa và sự độc đáo, Lễ hội “Tăm Blang M’prang Bon” đã được tỉnh Đắk Nông nâng tầm, gắn với CVĐC UNESCO Đắk Nông.
Ông Huỳnh Công Nga, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Nô cho biết: “Các lễ hội đã thu hút du khách khắp nơi đến với địa phương. Qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, người dân trong và ngoài huyện, đặc biệt là các tỉnh bạn cũng biết và đến với lễ hội địa phương rất nhiều. Từ đó đem đến sự giao lưu, thúc đẩy du lịch, kinh tế xã hội địa phương phát triển”.
Lễ hội của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Krông Nô không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống mà còn trở thành một điểm nhấn văn hóa đặc sắc, góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương. Đơn cử như trong những ngày diễn ra Lễ cúng lúa mới năm 2024, tại xã Nam Xuân đã thu hút hơn 6.000 lượt du khách từ khắp nơi đổ về để chung vui.
Đối với những du khách vượt qua chặng đường dài để đến đây, lễ hội không chỉ là dịp vui chơi, giao lưu bạn bè mà còn là một hành trình độc đáo, giúp họ khám phá và hòa mình vào không gian văn hóa bản địa đậm đà bản sắc.
Thời gian qua, Krông Nô quan tâm bảo tồn và phát huy lễ hội cũng như giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Lễ hội cũng là dịp để khai thác và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống cộng đồng các dân tộc. Đây là nỗ lực không chỉ để tôn vinh các giá trị truyền thống của đồng bào các DTTS, mà còn để làm phong phú thêm bản sắc văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái cảnh quan, mạo hiểm, khám phá, văn hóa, lịch sử; tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Thời gian qua, huyện chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, tập trung hình thành và phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch chính.
4 loại hình sản phẩm du lịch chính của huyện Krông Nô, bao gồm: Mô hình sản phẩm du lịch mạo hiểm, khám phá, thưởng ngoạn cảnh quan, khai thác địa thế tài nguyên du lịch với nhiều hồ thác, cảnh quan rừng, hệ thống hang động, núi lửa; Mô hình du lịch homestay canh nông, sinh thái nông nghiệp công nghệ cao; Mô hình du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tại huyện Krông Nô; Mô hình sản phẩm Du lịch lịch sử, tham quan, tìm hiểu các giá trị của Di tích lịch sử.
Đến nay, trên vùng lõi CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, huyện Krông Nô đã phát triển được một số sản phẩm du lịch như trải nghiệm giá trị văn hóa, tập tục truyền thống của các DTTS.
Huyện tổ chức thành công các sự kiện quảng bá về văn hóa, thể thao và du lịch của huyện, góp phần thu hút khách du lịch như: Lễ hội Lồng tồng và cúng lúa mới tại xã Nam Xuân; Lễ hội “Tăm Blang M’prang bon” xã Nâm Nung; Lễ hội Cúng bến nước tại xã Quảng Phú và xã Nâm Nung; Lễ hội đua thuyền thị trấn Đắk Mâm; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc…
Nguồn: https://baodaknong.vn/dac-sac-le-hoi-truyen-thong-vung-cong-vien-dia-chat-238014.html