Thực tiễn ở Đắk D’rông
Xã Đắk D’rông có hơn 85% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo ông Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông, do nhiều nguyên nhân, đời sống của người dân trước đây gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao.
Trước thực trạng đó, để nâng cao được đời sống người dân trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền xã xác định hỗ trợ người dân phát triển ổn định, nhất là đồng bào DTTS là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo đó, xã đã chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho địa phương.
Để Nhân dân biết và thực hiện đúng, đồng thuận trong triển khai, địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xã vận động người dân phát triển kinh tế, thực hiện tốt quy ước, hương ước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Đặng Quốc Khánh cho biết, từ nguồn hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp, ngành, người dân dần thay đổi tập quán canh tác. Bà con từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại năng suất, hiệu quả cao. Các mô hình nuôi dê, bò, cây ăn quả, cây công nghiệp được nhân rộng và phát triển; đời sống của người dân trên địa bàn xã ngày càng ổn định và nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 44 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua từng năm. Năm 2023, toàn xã có 177 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,32%, giảm 1,27% so với năm 2022.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án
Theo UBND huyện Cư Jút, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, huyện đã triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách để nâng cao đời sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể, thực hiện Chương trình 135, trong 2 năm 2019 – 2020, huyện đã thực hiện với tổng vốn đầu tư chương trình gần 5 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được phân bổ cho các xã, thị trấn đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân.
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển đa dạng hóa sinh kế, huyện đã hỗ trợ cho 201 hộ, với 650 triệu đồng; xây dựng đề án trồng cây mít thái siêu sớm changai da xanh theo hướng bền vững tại xã Đắk D’rông với 50 hộ tham gia, diện tích 10ha, tổng kinh phí 510 triệu đồng. Địa phương triển khai xây dựng nhà cho 26 hộ nghèo được thụ hưởng theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 18/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho 947 hộ, với số tiền 36,649 tỷ đồng.
Năm 2023, huyện giải ngân gần 9,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó nguồn vốn sự nghiệp gần 4,5 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư phát triển gần 5,2 tỷ đồng… Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; hệ thống đường liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi. Năm 2023, toàn huyện còn 811 hộ nghèo, giảm 1,63%; hộ nghèo DTTS tại chỗ 109 hộ, giảm 4,63% so với năm 2022.
Năm 2023, toàn huyện Cư Jút còn 811 hộ nghèo, giảm 1,63%; hộ nghèo DTTS tại chỗ 109 hộ, giảm 4,63% so với năm 2022.
Cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, những năm qua, huyện chú trọng thực hiện công tác an sinh xã hội. Từ năm 2019 đến nay, việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đã được huyện triển khai kịp thời đến với các đối tượng được thụ hưởng. Trong tổng số thẻ bảo hiểm y tế được cấp là 127.842 thẻ, số thẻ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất 47.511 thẻ, tiếp đó là hộ nghèo 43.085 thẻ, hộ cận nghèo 37.246 thẻ.
Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được duy trì và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Ông Y’Tai, xã Tâm Thắng cho biết, đồng bào được hỗ trợ từ các chương trình rất phấn khởi. Bà con được vay vốn, được hỗ trợ giống để phát triển kinh tế. Đời sống của bà con cũng được nâng lên bởi Nhà nước đã quan tâm đầu tư đường sá, hệ thống giao thông khang trang thuận tiện hơn rất nhiều. Bà con được khuyến khích bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nên rất vui.
Theo UBND huyện Cư Jút, địa phương xác định xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số… là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt. Thời gian tới, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân trong thực hiện các chương trình, dự án… Mục tiêu để người dân, nhất là người dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau.
Theo đó, từ các nguồn vốn, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương đầu tư có trọng tâm, hiệu quả hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng DTTS.
Địa phương hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS về kiến thức khoa học kỹ thuật, tư liệu sản xuất. Huyện nỗ lực giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS. Đồng thời phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.