Cư Jút có 29.498 ha đất nông nghiệp. Trong đó, cây hàng năm 20.827 ha, cây lâu năm 19.849 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt 110.194 tấn/năm.
Huyện Cư Jút đã quy hoạch phát triển 4 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: vùng hồ tiêu, vùng chăn nuôi bò, vùng nuôi cá nước ngọt và vùng sản xuất đậu nành.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã thúc đẩy ứng dụng CNC vào sản xuất. Trên địa bàn huyện đã có nhiều cá nhân, đơn vị mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng hiện đại để phát triển nông nghiệp theo hướng CNC.
Đơn cử, HTX Sản xuất TM – DV Bình Minh đã thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu với diện tích trên 98 ha, với 88 hộ tham gia.
Năm 2022, HTX liên kết bên ngoài huyện với 13 HTX và 775 nông hộ, diện tích hồ tiêu đạt 1.138 ha, sản lượng hơn 2.710 tấn/năm.
Theo ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh, người tiêu dùng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Vì thế, các công ty xuất khẩu, chế biến rất cần nguồn nông sản chất lượng, với số lượng nhiều để sản xuất.
Ông Lê Anh Sơn cho biết: “HTX đã tập hợp các hộ nông dân lại hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất. Từ đó, chúng tôi tạo các sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn chứng nhận để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và các công ty xuất khẩu”.
Ông Đỗ Duy Nam, Phó Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút cho biết, HTX Bình Minh là một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Quy mô hoạt động của HTX mở rộng nhiều địa bàn như: Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô… Điều này đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.
Tương tự, vùng trồng đậu nành xã Nam Dong với diện tích 85 ha bước đầu đáp ứng các tiêu chí về liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm. Vùng sản xuất này có sự liên kết với Công ty đậu nành Vinasoy và đã phát huy hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội.
Nông dân sản xuất đậu nành đã ứng dụng giống chất lượng cao, đưa các kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Cư Jút là phát triển vùng chăn nuôi bò và vùng nuôi cá nước ngọt. Nguyên nhân, do việc chăn nuôi bò còn nhỏ lẻ, manh mún.
Trong khi nuôi cá nước ngọt tại các công trình thủy lợi gặp khó khăn do bị chi phối từ việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng CNC trong chăn nuôi cá có chi phí đầu tư cao, nên người dân khó thực hiện.
Trước thực tế đó, để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển, huyện Cư Jút đã xây dựng các chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Từ nay đến năm 2025, Cư Jút tập trung đầu tư cho vùng vùng sản xuất hồ tiêu và vùng sản xuất đậu nành CNC để làm đầu tàu, định hướng cho nông dân sản xuất.
Huyện phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đối với các vùng quy hoạch ứng dụng CNC còn lại. Trên cơ sở đó, huyện sẽ công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Dự kiến là HTX đậu nành Nam Dong và HTX Bình Minh xã Ea Pô.
Trong giai đoạn 2026-2030, huyện tiếp tục hoàn thành các mục tiêu tại các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.