Mô hình chợ 4.0
Nhằm giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số, huyện Cư Jút đã triển khai chợ 4.0. Hai đơn vị là VNPT, Viettel và 3 chi nhánh ngân hàng đóng chân trên địa bàn là Agribank, BIDV và Vietinbank đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các tiểu thương cài đặt ứng dụng mở ví VNPT Money và Viettel Money, mở mã QR, cách sử dụng…
Chị Vũ Thị Thơm, một tiểu thương trong chợ Tâm Thắng đã có tài khoản Ngân hàng Agribank nhưng chưa làm mã QR. Khi được tư vấn, chị đã chuẩn bị sẵn căn cước công dân để cán bộ ngân hàng làm thủ tục mã quét QR miễn phí. Chị Vũ Thị Thơm cho biết: “Việc không sử dụng tiền mặt để thanh toán tiện lợi cho cả người mua và người bán”.
Chợ xã Tâm Thắng có khoảng 100 hộ tiểu thương thì có 20 hộ đã có tài khoản ngân hàng và được hỗ trợ cài đặt mã quét QR. Sau khi được tư vấn và cài đặt miễn phí, hầu hết các hộ tiểu thương đều hưởng ứng. Khi triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0, người tiêu dùng có thể thanh toán tiền mua hàng bằng quét mã QR qua tài khoản Viettel Money, VNPT Money, tài khoản của các ngân hàng. Việc quét mã QR để thanh toán giúp người dân tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách.
Trong ngày ra quân đầu tháng 10 mới đây, nhân viên nhà mạng và ngân hàng còn tư vấn cho người dân đi mua sắm tham gia cài đặt dịch vụ, trải nghiệm chợ không dùng tiền mặt hoàn toàn miễn phí. Những tiện ích về việc đi mua hàng không sử dụng tiền mặt được người dân phấn khởi và hưởng ứng.
Việc triển khai thí điểm chợ 4.0 nhằm thay đổi hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt sang thanh toán bằng mã quét QR, từng bước đưa phương thức thanh toán số thành công cụ chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân. Cư Jút phấn đấu đến hết năm 2023, 100% tiểu thương, hộ kinh doanh, người dân ở chợ xã Tâm Thắng sử dụng thành thạo công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ 4.0.
Tại Trung tâm Thương mại huyện Cư Jút, các tiểu thương khá thích thú trải nghiệm dịch vụ. Chị Trần Thị Kim Huệ, bán thịt bò ở trung tâm nhiều năm nay. Theo chị Huệ, do chưa đăng ký tài khoản ngân hàng nên mỗi khi gặp khách hàng muốn chuyển khoản, chị phải nhờ tài khoản của con hoặc các tiểu thương bên cạnh để khách hàng chuyển khoản. Nay được cán bộ ngân hàng tư vấn, chị cảm thấy rất thích và tham gia ngay để tiện cho mình và khách hàng.
Khi triển khai dịch vụ chợ 4.0, hai nhà mạng VNPT Cư Jút và Viettel Cư Jút đã lắp đặt 2 cục phát wifi, phát được bán kính khoảng 30m để tiện cho các hộ tiểu thương và người dân khi sử dụng sóng wifi để thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng có nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng khi đăng ký tài khoản và in mã quét QR. Việc này tạo thuận lợi cho tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền, mua bán trực tuyến nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Với hình thức này, người dân có thể thoải mái đi mua sắm trong chợ mà không còn những băn khoăn như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa.
Chủ động triển khai nhiều hoạt động
Thực hiện Nghị quyết 09, ngày 1/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, huyện Cư Jút đã chủ động và có những triển khai cụ thể.
Huyện Cư Jút đã ban hành chương trình hành động, các kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các nội dung công việc một cách đồng bộ, rõ việc, có trọng tâm, trọng điểm. Huyện chỉ đạo các ngành tổ chức tuyên truyền, quán triệt nghị quyết về chuyển đổi số tới từng chi, đảng bộ, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
Huyện thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện và tại toàn bộ 8 xã, thị trấn, phân công người đứng đầu chính quyền các cấp đảm nhận vai trò trưởng ban… Huyện thành lập tổ công nghệ số cộng đồng ở 124 thôn, buôn, bon, tổ dân phố; triển khai nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số; 100% các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số…
Bên cạnh đó, huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu triển khai chỉ đạo đối với các mục tiêu đã được đề ra đối với lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã kết nối gửi nhận văn bản điện tử qua môi trường mạng. Hệ thống đã liên thông với một số đơn vị ngành dọc như: Bảo hiểm Xã hội, Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Cục Thống kê…
Cổng dịch vụ công trực tuyến của huyện tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh, cung cấp 100 dịch vụ công mức độ 3 và 20 dịch vụ công mức độ 4. Các xã, thị trấn triển khai niêm yết thủ tục hành chính bằng quét mã QR. Huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn an toàn, an ninh thông tin tới tất cả các phòng, ban chuyên môn, địa phương trên địa bàn. 100% người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng chữ ký số, xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ra quyết định. Qua đó, hoạt động này giúp đẩy mạnh triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ, giấy tờ ngay từ cấp xã, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đối với kinh tế số, huyện Cư Jút hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nhất là hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP,… lên 2 sàn thương mại voso.vn và postmart.vn. Đến nay, huyện có khoảng 25% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động…