Tăng tốc cho những doanh nghiệp đầu tàu
Ngành Công nghiệp Đắk Nông đang kỳ vọng lớn vào sự góp sức của Dự án Nhà máy sản xuất cồn Đức Giang do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đầu tư.
Dự án được triển khai tại Khu công nghiệp (KCN) Tâm Thắng, với diện tích 19,3ha. Tổng vốn đầu tư của dự án 300 tỷ đồng. Dự án sẽ tập trung sản xuất cồn Ethanol, CO2 hóa lỏng và xăng E5.
Giai đoạn 1 của dự án có quy mô 50.000 tấn cồn/năm và sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2024. Trong giai đoạn này, doanh thu trung bình mỗi năm của nhà máy đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm. Dự án sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương với khoảng 150 tỷ đồng/năm.
Tương tự, Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông cũng đang được tỉnh Đắk Nông tăng tốc kiện toàn các thủ tục pháp lý, bàn giao các hạng mục thiết yếu cơ sở hạ tầng KCN cho chủ đầu tư triển khai kịp tiến độ.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân Nguyễn Vũ Hưng cho biết, dự án hiện đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, bao gồm: hệ thống nhà xưởng, các công trình phục vụ, đầu nối hạ tầng kỹ thuật với KCN Nhân Cơ (trừ nhà xưởng phân kỳ 3).
Nhà đầu tư hiện đang xây dựng khu vực lưu trú cho người lao động nước ngoài. Dự kiến trong năm 2025, dự án sẽ đi vào vận hành sản xuất giai đoạn I.
Tổng thầu EPC (Công ty NFC) đã kiểm tra và nhận bàn giao phần xây dựng để chuẩn bị thực hiện gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị.
Nhà đầu tư đã thu xếp đủ nguồn vốn tự có. Tổ chức tín dụng là Ngân hàng MB làm đầu mối đã cam kết cho vay 80% tổng vốn đầu tư để hoàn thành đầu tư dự án.
Để hỗ trợ dự án kịp tiến độ như đã cam kết, ngày 9/11/2024, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 3 cho Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên thông tin, năm 2024, Đắk Nông rất quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.
Để tăng cường hỗ trợ Dự án Điện phân nhôm, tỉnh đang giao các đơn vị liên quan tham mưu triển khai các phần việc như: xây dựng giá cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng trong KCN Nhân Cơ; xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư cho dự án; các thủ tục ký kết hợp đồng thuê lại đất…
Đánh giá của ngành Công thương cho thấy, trong năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tương đối ổn định, có sự tăng trưởng. Dự kiến, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2024 ước đạt 5%, tăng 0,27% so với năm trước.
Đa phần các sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các nhà máy sản xuất như: tinh bột sắn, alumin, thủy điện, điện mặt trời, điện gió đã được huy động vận hành tối đa công suất.
Đến nay, các sản phẩm chủ lực của tỉnh ngày càng được chế biến sâu, đa dạng, phong phú và dần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Các sản phẩm đã dần khẳng định được thị trường xuất khẩu như: cà phê, tiêu, điều, cao su, ván dán…
Tỉnh cũng đã kêu gọi, thu hút được các tập đoàn lớn như: Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH vào nghiên cứu đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến các loại trái cây, dược liệu, hương liệu…
Hạ tầng công nghiệp được tỉnh quan tâm đầu tư, kêu gọi các dự án vào đầu tư sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 KCN được thành lập, với tổng diện tích 727,19ha.
Đó là KCN Tâm Thắng; KCN Nhân Cơ và KCN Nhân Cơ 2. Trong đó, KCN Tâm Thắng đang vận hành. KCN Nhân Cơ đang trong quá trình xây dựng. KCN Nhân Cơ 2 đang triển khai các bước đầu tư xây dựng.
Trên địa bàn tỉnh đang có 4 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết, với diện tích 149,61ha. Trong đó, có 2 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Gia tăng giá trị cạnh tranh
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Bá Út cho hay, để ngành Công nghiệp phát triển, giữ vị trí dẫn đầu trong 3 trụ cột kinh tế, Đắk Nông đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Công thương.
Mục tiêu này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của toàn ngành.
Cụ thể, đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp sẽ đạt bình quân 9,05%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 23%. Đồng thời, sớm xây dựng Đắk Nông trở thành Trung tâm công nghiệp bô xít – alumin – nhôm của quốc gia.
Để quyết tâm đạt được những con số nói trên, trước tiên, Đắk Nông sẽ kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Trong đó, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại.
Tỉnh đang từng bước hoàn chỉnh hệ thống sản xuất thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp.
Trong đó, chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp, để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu.
Việc này cũng giúp tăng tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp. Đồng thời, chuyển dịch từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng vừa và cao.
Đặc biệt, Đắk Nông sẽ xây dựng cụm liên kết phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm, cũng như phát triển cụm liên kết sản xuất – chế biến, chế biến sâu, tiêu thụ nông sản của tỉnh. Từ đó, thu hút doanh nghiệp đầu tàu có năng lực để dẫn dắt chuỗi liên kết thông suốt, hiệu quả.
“Năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp sẽ được Đắk Nông nâng cao hơn nữa. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường sẽ đóng vai trò dẫn dắt phát triển cho toàn ngành”, ông Út cho biết.
Nguồn: https://baodaknong.vn/cong-nghiep-dak-nong-gia-tang-gia-tri-canh-tranh-238601.html